Bản tái đinh cư Huổi Lóng. Ảnh: Tuấn Anh |
Đẩy mạnh giảm nghèo bền vữngSau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong điều kiện khó khăn, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên sáu vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết ngay. Trong đó 2 nhiệm vụ quan trọng: Diệt giặc đói và giặc dốt. Trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 28/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo". Chính nhờ chủ trương đó mà chỉ trong vòng mấy tháng, đất nước đã vượt qua được nguy cơ nạn đói.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, cũng như sự tích cực thực hiện của cộng đồng, người dân, công tác xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao. Với chủ trương coi giảm nghèo là một mục tiêu của an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo liên tục được điều chỉnh, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp; đồng thời, mức chuẩn trợ cấp cũng được điều chỉnh tăng lên theo khả năng ngân sách của Nhà nước. Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương, một số địa phương đã chủ động xây dựng các nghị quyết, chính sách, kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn từ nguồn vốn ngân sách địa phương, góp phần đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững trên cả nước. Không chỉ người nghèo, hộ nghèo mà cả người cận nghèo, hộ cận nghèo cũng được nhận nhiều hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước.
Năm 2016, ngân sách đã bố trí khoảng 9.000 tỷ đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng trên 14 triệu đối tượng: người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, hải đảo; khoảng 1.172 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 1,8 triệu người thuộc hộ cận nghèo... 6 tháng đầu năm 2017, tổng kinh phí huy động từ ngân sách Trung ương, các tỉnh, thành phố và các cá nhân dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo là 4.175 tỷ đồng. Ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện cho 1.193 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 31.241 tỷ đồng (tăng 3.269 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước).
Trung tâm Y tế thành phố Pleiku (Gia Lai) là bệnh viện hạng 3 đang quản lý khám chữa bệnh cho hơn 39.000 thẻ BHYT. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Bên cạnh đó, đã có 13 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám, chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước với tổng kinh phí là 9.437 tỷ đồng. Trên 1 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Khoảng 1,6 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện với kinh phí khoảng trên 470 tỷ đồng.
Nhờ đường lối chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, qua 30 năm Đổi mới có khoảng 30 triệu người thoát nghèo, giảm mạnh từ 58,1% năm 1993, xuống còn 14,5% năm 2008 và dưới 5% vào năm 2015. Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm khoảng 1,3% đến 1,5% so với cuối năm 2015, còn khoảng 8,58 - 8,38%. Hộ nghèo của các huyện nghèo giảm khoảng 4%, còn khoảng 46,43%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Dự kiến đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,9% (giảm 1,33% so với cuối năm 2016), trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016), bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016.
Trao "cần câu", không trao "con cá"
Để tiếp tục rà soát, tích hợp các chính sách giảm nghèo theo định hướng của Quốc hội và Chính phủ theo hướng tập trung, gọn đầu mối, giảm bớt số lượng văn bản, tránh trùng chéo, dàn trải, nhằm nâng cao hiệu qủa thực hiện chính sách và phù hợp với nguồn lực của ngân sách Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo 2017-2018, đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành để tiếp tục phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện và chuẩn bị nội dung báo cáo Quốc hội vào cuối năm 2018.
Ngày 6/1/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Mới đây, các Quyết định số 1258/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định 1259/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2018... đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành - một lần nữa khẳng định quyết tâm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Là cơ quan chủ quản trong công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo. Một trong những giải pháp đó là giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng, nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách, khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo... Từ thực tiễn kinh nghiệm công tác tại miền núi, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định: Để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, cần tạo ra mô hình cụ thể cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc miền núi thấy, cần có người thực hiện trước để họ học theo, đó là phương thức “cầm tay chỉ việc”…
Cùng chung quan điểm, Quỹ "Vì người nghèo" của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặt mục tiêu không chỉ hỗ trợ xây cho người nghèo một căn nhà, một khoản tiền mà còn phải giúp người nghèo tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông tin xã hội, cuộc sống để họ biết cách thức làm ăn, có nghị lực vươn lên giảm nghèo bền vững. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Trưởng Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" nêu rõ: Một trong những nội dung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện là điều chỉnh quỹ, quy định rõ đối tượng theo hướng mở rộng thêm các đối tượng là hộ cận nghèo, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do gặp sự cố, tai nạn bất ngờ cần sự chia sẻ của cộng đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với các tổ chức thành viên để có những hoạt động hỗ trợ, tư vấn dạy nghề cho hộ nghèo có điều kiện, cơ hội, công ăn việc làm, vươn lên trong cuộc sống. Mục tiêu là giảm nghèo bền vững, không đem "con cá” đến cho người nghèo mà trao cho họ “cần câu”.
Nhấn mạnh đến công tác giảm nghèo và phát triển bền vững, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định: muốn thực hiện tiến bộ công bằng xã hội phải gắn chặt chẽ chính sách tăng trưởng kinh tế với chính sách xã hội. Đồng thời phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm sao cho nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn các thành quả của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện các cơ hội bình đẳng để giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo cơ hội mọi người được học tập, hưởng lương thu nhập hợp lý, thỏa đáng; bảo đảm điều kiện công việc, an toàn, đủ điều kiện tái sản xuất, chú trọng tạo việc làm cho lao động dôi dư từ nông nghiệp... Đó là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết nghèo đói, thúc đẩy tăng trưởng, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.