Hàng năm, càng những ngày giáp Tết sức mua đào rừng về dưới xuôi càng lớn. Nhưng năm nay không rôm rả như mọi năm, lượng người chơi đào rừng ít hẳn đi, những nét buồn đang dần xuất hiện trên gương mặt của người bán đào trên cao nguyên Mộc Châu ngày một nhiều hơn.
Mặc dù đã hơn 10 giờ sáng, nhưng tại nhiều điểm bán đào rừng dọc tuyến Quốc lộ 6 đoạn qua 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La vẫn rất ít khách mua. Anh Lù A Chù, một người bán đào tại tiểu khu 17, thị trấn nông trường Mộc Châu, cho biết: So với năm ngoái, năm nay lượng khách mua đào về chơi lẫn những thương lái mua buôn về dưới xuôi ít hẳn đi. Có lẽ lý do chính khiến đào rừng năm nay không được ưa chuộng như mọi năm bởi vì lượng đào rừng cổ thụ “ thân mốc” thật sự khan hiếm và thay vào đó là những cành đào con mới chỉ từ 3-5 năm tuổi.
Dạo qua một vài điểm bán đào, chúng tôi thấy nhiều chủ đào đang đốt lửa ở gốc đào để kích thích hoa đào nở, giải thích cho việc làm này, anh Vàng A Lủ, một chủ đào cho biết, năm nay do thời tiết khắc nghiệt, hoa đào nở rất chậm trong khi đó chỉ còn một tuần nữa là đến Tết rồi, nên phải kích thích để cho đào nở nhanh hơn chứ cứ để nguyên như thế thì rất khó bán.
Có rất nhiều loại đào như đào lai, đào phai, đào rừng được bà con kiếm tìm khắp các nẻo vùng cao biên giới mang về đây bán. Giá cả của mỗi cành đào khá khác nhau. Cành rẻ chỉ từ 200.000 đến 500.000 đồng. Đào đẹp, chặt sát gốc, có thế thì giá đến tiền triệu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của dân chơi đào, muốn mua được những cành đào đẹp mà giá thành lại rẻ thì nên vào tận bản của người Mông, vào đấy có rất nhiều đào để lựa chọn, hơn nữa người mua lại có thể tự chặt cành đến sát tận gốc, còn mua ở ngoài này phần đông là dân buôn, giá thành bị đội lên gấp đôi thậm chí gấp ba lần so với giá thực tế.
Theo quan sát của chúng tôi, những người bán đào ở đây đa số là dân buôn, nhiều người đã dựng lán ngay tại lề đường, thậm chí mang cả xoong, nồi nấu ăn tại chỗ để tiện cho việc bán và trông coi đào. Một số người khác do không có chỗ bán, họ chở từng cành đào một bằng xe máy rồi đi bán dạo. Anh Sùng Nhìa Di, một dân buôn đào có thâm niên tại đây cho biết, năm nay là năm thứ 4 anh tham gia buôn đào rồi, những năm trước do có nhiều người mua, đào lại được giá nên cũng có chút ít tiền để sắm Tết, nhưng năm nay số lượng người mua ít, từ hôm qua tới giờ anh mới bán được có 1 cành đào.
“Những năm trước, ngày nào cũng bán được từ 2-3 cành, sau khi trừ chi phí cũng lãi được khoảng từ 500.000-600.000 đồng, năm nay kém lắm, một tuần nay mới bán được có 5 cành thôi trong khi Tết ngày càng đến gần rồi, tôi cảm thấy lo quá” - anh Sùng Nhìa Di tâm sự.
Cuối năm cũng là dịp để người dân ở đây có thể bán đào nhằm tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, để có được một cành đào rừng “thân mốc” thực sự thì cây đào ít nhất phải trồng đến hơn 10 năm. Với lượng khai thác ồ ạt như hiện nay, mỗi độ xuân về lại càng thêm vắng bóng những cành đào già cổ thụ cũng là một điều dễ hiểu.
Công Luật