Đắk Lắk: 69 người nước ngoài tại các dự án điện gió chưa có giấy phép lao động

Ngày 14/5, đoàn kiểm tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk phát hiện có 69 người lao động Trung Quốc tại 4 dự án nhà máy điện gió ở huyện Krông Búk.

Ngày 17/5, Đại diện Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk) cho biết, Sở đã báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phát hiện 69 công dân Trung Quốc đang làm việc tại các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh mà chưa được cấp giấy phép lao động hoặc được xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định. Sở đã làm việc sơ bộ với chính quyền địa phương, đại diện nhà thầu, đại diện nhà đầu tư và sẽ có buổi làm việc cụ thể vào ngày 19/5.

Trước đó, ngày 14/5, đoàn kiểm tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk phát hiện có 69 người lao động Trung Quốc tại 4 dự án nhà máy điện gió ở huyện Krông Búk gồm: Dự án Nhà máy điện gió Krông Búk 1, Dự án Nhà máy điện gió Krông Búk 2, Dự án Nhà máy điện gió Cư Né 1 và Dự án Nhà máy điện gió Cư Né 2. Trong số này có 1 người làm cho nhà đầu tư và 68 người làm cho nhà thầu; chỉ có 45 người khai báo tạm trú tại UBND xã Cư Né (huyện Krông Búk) và số đối tượng này chưa được cấp giấy phép lao động hoặc được xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã làm việc với UBND xã Cư Né (huyện Krông Búk) và 3 người mang quốc tịch Trung Quốc (1 người phiên dịch, 1 người đại diện của nhà thầu và 1 người đại diện cho nhà đầu tư). Đại diện chủ đầu tư, nhà thầu cho biết họ đã có ý thức việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện các dự án điện gió phức tạp, phải trải qua nhiều hạng mục, công đoạn, công việc, trong đó có những công việc có yêu cầu về mặt kỹ thuật cao với hệ thống thiết bị, máy móc nhập khẩu từ nước ngoài; mặt khác, phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nên phía nhà đầu tư và nhà thầu đã phải cho những chuyên gia người Trung Quốc sang làm việc sớm. Trong quá trình vừa làm việc, đơn vị vừa thực hiện các thủ tục về lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam và rất mong có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục lao động.

Đại diện Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp cũng cho biết, do 4 nhà đầu tư các dự án điện gió trên địa bàn huyện Krông Búk chưa thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại tỉnh Đắk Lắk và do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cũng gặp khó khăn trong khi làm việc trực tiếp với đại diện nhà đầu tư, nhà thầu để hướng dẫn làm các thủ tục, hồ sơ theo quy định của pháp luật. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản mời đại diện chủ đầu tư, nhà thầu làm việc trực tiếp (vào ngày 19/5) để hướng dẫn và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Giải đáp thắc mắc của các phóng viên về việc điều tra dịch tễ đối với các lao động Trung Quốc, đại diện Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp cho biết, 69 người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam vào tháng 3/2021 và đã được cách ly tập trung tại Hà Nội, sau đó mới vào tỉnh Đắk Lắk làm việc. Khi các lao động có đủ thủ tục pháp lý theo quy định, trong đó bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 và giấy chứng nhận đã qua cách ly tập trung thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mới hướng dẫn việc hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy phép lao động theo quy định.

Được biết, nhà thầu thực hiện các dự án điện gió với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng nêu trên là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Huadian Trung Quốc, địa chỉ: Tòa nhà 1, Vườn số 6, Đường Đông, Bảo tàng Ô tô, khu Phong Đài, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc; Văn phòng điều hành tại K67, Quốc lộ 14, Xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk.

Hoài Thu (TTXVN)
Xem xét trục xuất lao động nước ngoài làm việc không có giấy phép tại Việt Nam
Xem xét trục xuất lao động nước ngoài làm việc không có giấy phép tại Việt Nam

Thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, tối 14/5, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN