Trong đó, xem xét trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động và không tuân thủ các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trước tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước diễn biến hết sức phức tạp, tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép và nhập cảnh với mục đích tìm việc làm không đúng quy định đang xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động trái phép và các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật.
Các địa phương tiến hành rà soát toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài tại địa phương; từ đó tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký và làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp…; kiên quyết không để sót, để lọt người nhập cảnh trái phép lao động trong cơ sở, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài tại địa phương, đảm bảo đúng điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ và khoản 1 Điều 152 Bộ luật Lao động năm 2019: Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Các địa phương chỉ đạo tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn, bảo đảm thực hiện nghiêm Thông điệp 5K và các quy định của cơ quan y tế; kiên quyết đình chỉ và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp không bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật.