Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã cấp phép lao động cho 4.626 người làm việc tại 2.030 doanh nghiệp. Đối với lao động Đài Loan (Trung Quốc) đã được cấp giấy phép lao động là 1.794 người, làm việc tại 541 doanh nghiệp. Tổng số lao động Nhật Bản được cấp giấy phép lao động là 3.672 người, làm việc tại 1.586 doanh nghiệp.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay công tác rà soát, thống kê, cập nhật số lượng lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch được tổng hợp từ 612 doanh nghiệp với 4.815 lao động là người nước ngoài; trong đó, có 1.116 trường hợp đã được cách ly và quay trở lại làm việc bình thường.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh kiến nghị tạm thời dừng cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài đến từ vùng dịch (người lao động quốc tịch Hàn Quốc đến từ tỉnh Daegu, Gyeongsang). Đối với người lao động quốc tịch Hàn Quốc còn lại đã được cấp giấy phép lao động, đã về nước và khi trở lại Việt Nam làm việc buộc phải kiểm tra dịch tễ trước khi nhập cảnh.
Thông tin về tình hình dịch bệnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, do chủ động, quyết liệt, không chủ quan nhưng không lo lắng quá mức nên công tác chỉ đạo, điều hành từ thành phố đến các cơ sở ngay từ đầu khi dịch bệnh mới xảy ra tại Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định. Bước đầu đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID –19 và đến ngày 25/2, thành phố không có thêm trường hợp nghi ngờ mắc COVID –19.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng tại thành phố sẽ khó tránh khỏi nếu không có biện pháp cấp bách. Bởi hiện nay, hoạt động giao thông, đi lại nhiều giữa thành phố và các nước, giữa thành phố và các tỉnh, thành dẫn đến nguy cơ xâm nhập từ vùng dịch, đặc biệt từ các quốc gia châu Á đang có số ca bệnh cao nhưng vẫn được phép vào Việt Nam và các địa phương trong nước có ca bệnh; đồng thời cũng có nhiều người lao động, chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư người nước ngoài làm việc tại thành phố.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ngoài việc cách ly những trường hợp đi từ các địa phương của Trung Quốc đến thành phố, ngành y tế thành phố cũng đã thực hiện việc cách ly với các trường hợp đến từ 2 địa phương của Hàn Quốc là thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsangbuk. Hiện nay, khu cách ly tập trung của thành phố tại bệnh viện dã chiến (huyện Củ Chi) đã tiếp nhận 20 người có quốc tịch Hàn Quốc (14 trẻ em, 6 người lớn) và 3 người có quốc tịch Trung Quốc. Ban giám đốc bệnh viện dã chiến đã cho triển khai thêm bảng hướng dẫn tiếng Hàn tại các phòng cách ly, đồng thời các bác sĩ khi thăm khám sẽ sử dụng máy phiên dịch đa ngôn ngữ được bệnh viện trang bị trước (nếu người cách ly không có phiên dịch đi cùng).
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, số lượng lao động từ các vùng dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đến sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh là rất lớn, chưa kể lượng khách du lịch đến thành phố từ các quốc gia này cũng rất đông, nếu không triển khai các giải pháp giám sát chặt chẽ thì nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn rất cao. Do vậy, UBND TP Hồ Chí Minh đồng ý với đề nghị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh trong việc tạm thời ngừng cấp giấy phép mới đối với lao động nước ngoài đến từ vùng dịch. Trường hợp đã cấp phép thì khi người lao động trở lại Việt Nam làm việc thì phải tăng cường kiểm tra và thực hiện cách ly chặt chẽ.
Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Phải tăng cường kiểm tra, giám sát các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch; đồng thời phải có những kịch bản cụ thể trong phòng chống dịch. Cần thiết tăng cường thiết bị phát hiện các biểu hiện bệnh đối với người đến từ vùng dịch”. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu, đối với các trường hợp phải cách ly, Sở Y tế phải đưa ngay vào các trung tâm, bệnh viện dã chiến. Đối với quận, huyện có nhiều chung cư có người nước ngoài sinh sống, người có người thân ở các nơi có vùng dịch... phải được kiểm soát, giám sát thường xuyên.