Đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh bức xúc vì xây dựng sai phép và thất thu phí đỗ xe

Sáng 13/7, kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh khóa IX bước vào ngày làm việc cuối với phiên chất vấn người đứng đầu Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh về các sai phạm trong lĩnh vực phụ trách vừa qua.

Siết cấp phép xây dựng

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đã chất vấn Giám đốc sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh về trường hợp vi phạm xây dựng 110 biệt thự ở quận 7 của chủ đầu tư là công ty Hưng Lộc Phát.

Chú thích ảnh
Ngày thứ ba của HĐND TP Hồ Chí Minh bước vào phiên chất vấn các đại diện sở, ngành.

Trả lời vấn đề này, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cho biết ngay sau khi phát hiện sự việc, đơn vị đã có báo cáo gửi UBND TP Hồ CHí Minh. Từ đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã tổ chức họp, kết luận để yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên – Môi trường và UBND quận 7 kiểm tra.

Theo ông Lê Hoà Bình, dự án này đã được chấp thuận đầu tư, được phê duyệt quy hoạch, thẩm định thiết kế nhưng xảy ra sai phạm trong giai đoạn thực hiện đầu tư dự án nên chủ đầu tư phải bổ sung thủ tục pháp lý trong vòng 60 ngày.

Chia sẻ thông tin về sai phạm xây dựng 110 biệt thự, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Sở Tư pháp và Công an TP Hồ Chí Minh đã trình dự thảo theo hướng xử lý nghiêm những trường hợp chủ đầu tư cố tình xây dựng không phép, sai phép hoặc chưa hoàn tất pháp lý đã xây dựng. Biện pháp chế tài cho những sai phạm này là không cho đầu tư dự án khác và cưỡng chế tài chính trong tài khoản... Thậm chí, có thể áp dụng cả biện pháp xử lý hình sự để tăng tính răn đe”.

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình trả lời chất vấn các đại biểu HĐND tại nghị trường.

“Sau gần 6 năm đưa lực lượng thanh tra xây dựng ở các quận, huyện; phường, xã sáp nhập về Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thì cả Sở Xây dựng và địa phương đều thấy nhiều bất cập. Đáng nói, việc sáp nhập này lại là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng vi phạm xây dựng vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp”, ông Bình cho biết thêm.

Trước tình hình trên, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trên cơ sở sáp nhập các đội thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và đội quản lý trật tự đô thị ở các quận, huyện.

Theo ông Lê Hoà Bình, chính quyền địa phương là cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm chính trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị nên cần có một lực lượng chuyên môn giúp chính quyền các cấp làm công tác này. Khi thanh tra xây dựng chuyển về địa phương sẽ phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính. Ngoài ra, đơn vị đang xây dựng và sắp đưa vào triển khai cơ chế phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường để quản lý việc cấp phép và kiểm tra quá trình xây dựng nhà ở được suôn sẻ hơn.

Đường thủy chưa khai thác hiệu quả

Liên quan đến vấn đề giao thông, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đã chất vấn Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh: “Vì sao tiến độ xây dựng các bãi đỗ xe đang rất chậm, nhiều dự án vẫn nằm trên giấy suốt nhiều năm qua?. Ngoài ra, công tác thu phí đỗ xe dưới lòng lề đường bằng công nghệ đã hiệu quả hay chưa?”.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy đặt câu hỏi về quy hoạch phát triển giao thông đường thủy: “Thành phố có 2 tuyến sông lớn, hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng giao thông đường thủy vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Đề nghị đồng chí nêu ra đánh giá quy hoạch và phương án đẩy nhanh phát triển giao thông đường thủy”.

Chú thích ảnh
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho rằng muốn khai thác đường thủy hiệu quả cần thực hiện đồng bộ.

Trả lời thắc mắc của các đại biểu, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, cho biết từ 1/8/2018, TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm thu phí đỗ xe ô tô dưới lòng đường qua phần mềm công nghệ tại quận 1, quận 5 và quận 10. Tuy nhiên, sau gần 1 năm triển khai vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân do phần mềm ứng dụng trên điện thoại còn bị lỗi, người dân chưa có thói quen hoặc chưa thông thạo việc sử dụng công nghệ; nhân viên thu phí còn thiếu trách nhiệm, lơ là; công tác quản lý của cơ quan nhà nước còn lúng túng và lỏng lẻo, do đây cũng là thời gian đầu chuyển giao giải pháp gửi xe thu phí trực tiếp sang quản lý bằng hệ thống công nghệ hiện đại…

“Thành phố đã xác định mục tiêu của đề án thu phí đỗ xe là nhằm kéo giảm ùn tắc, hạn chế xe cá nhân vào khu trung tâm nên việc thành phố chịu thất thu nguồn ngân sách là điều khó tránh khỏi. Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ tăng cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, cũng như có chế tài nghiêm trị đối với những trường hợp có hành vi cố tình trục lợi khiến nguồn thu bị thất thu”, ông Trần Quang Lâm cho biết.

Lí giải nguyên nhân chưa khai thác hiệu quả đường thủy, ông Trần Quang Lâm cho biết, thành phố hiện vẫn còn tồn tại nhiều tuyến đường thủy đã xuống cấp do bồi lắng và cạn. Ngoài ra, một số tuyến sông có các cầu bắc qua với khoảng cách thấp hoặc chướng ngại vật đã làm cản trở phương tiện thủy lưu thông như cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn, cầu Rạch Dơi trên tuyến Rạch Dơi - sông Kinh, tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến Giồng Ông Tố… Do đó việc khai thác các tiềm năng đường thủy còn hạn chế.

“Chưa kể hệ thống cảng, bến thủy nội địa tại TP Hồ Chí Minh đa số kết cấu tạm, có năng lực xếp dỡ thấp, sử dụng công nghệ, thiết bị bốc xếp còn thủ công. Bên cạnh đó, do dự án quy hoạch đang tạm ngưng vì công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án còn chậm, nhiều vướng mắc, nên hoạt động của các bến thủy nội địa hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời gây khó khăn cho khai thác đường thủy”, ông Trần Quang Lâm cho biết thêm.

Ông Trần Quang Lâm cũng cho biết, Sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu và sẽ cố gắng hoàn thiện xây dựng quy hoạch, thúc đẩy đầu tư cho giao thông đường thủy phát triển hơn. Tuy nhiên, để khai thác đường thủy hiệu quả, cần có sự tham gia vào cuộc đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện khi triển khai các dự án. Mặt khác, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị có năng lực tham gia vào đầu tư cầu tàu, bến bãi tại các cảng sông, biển… để giảm đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh thúc đẩy hợp tác với Liên bang Thụy Sỹ
TP Hồ Chí Minh thúc đẩy hợp tác với Liên bang Thụy Sỹ

Chiều 12/7, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp ông Guy Parmelin, Bộ trưởng Kinh tế, Đào tạo và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sỹ, đang thăm làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi phương hướng thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN