Người lao động tại xưởng chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty Bianfishco, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
|
Thưa ông, hiện đang có nhiều ý kiến lo ngại việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm tăng hiện tượng “tham quyền cố vị” với đối tượng quản lý. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Cá nhân tôi cho rằng những người có trí tuệ, có chất xám được đào tạo bài bản, có khả năng đóng góp thì việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của họ sẽ có lợi cho xã hội. Bên cạnh đó, hiện nay, tuy pháp luật chưa áp dụng tăng tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu một cách rộng rãi, nhưng đã có các quy định kéo dài tuổi làm việc trước khi nghỉ hưu đối với người làm công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy có trình độ chuyên môn cao (Tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư, Chuyên gia cao cấp, Nghiên cứu viên cao cấp, Giảng viên cao cấp). Theo đó, độ tuổi nghỉ hưu của Phó giáo sư là 67 tuổi đối với nam và 62 tuổi đối với nữ, Giáo sư là 70 tuổi đối với nam và 65 tuổi đối với nữ. Đó là những quy định có ý nghĩa rất tích cực, vừa có lợi cho cá nhân nhà khoa học, giảng viên có cơ hội tiếp tục cống hiến, sáng tạo, lại có lợi cho nhà nước và cho xã hội khi tiếp tục khai thác được năng lực trí tuệ của những người này.
Cũng theo quan sát của tôi, việc tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ là để tạo lợi ích cho nhóm những người “có chức có quyền” bởi hiện nhiều người có năng lực lại không muốn kéo dài thời gian làm việc. Lãnh đạo chỉ có một vài người chứ đâu phải tất cả đều là lãnh đạo. Vì nhiều người không trong quan hệ lao động Nhà nước vẫn có thể có việc làm, vẫn có thu nhập cao hơn. Còn trong số những người muốn kéo dài, cũng có nhiều người năng lực thực sự nhưng cũng phải thừa nhận là có một bộ phận không nhỏ có sức ỳ lớn, chưa muốn thoát ly khỏi nhà nước. Nhưng những người đã có năng lực thì không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu trong cơ chế thị trường.
Tôi khẳng định, việc nâng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và khách quan bởi từ khi thành lập đất nước đến nay, tuổi nghỉ hưu đã được quy định là nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi, trong khi hiện tuổi thọ của người dân Việt Nam đang được nâng lên 73-74 tuổi. Đồng thời, Việt Nam đang ở đỉnh cao của thời kỳ dân số vàng, một thời gian nữa Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc già hóa dân số vì vậy việc nâng tuổi hưu là chuẩn bị cho tương lai.
Tất cả những thông tin liên quan đến việc nâng tuổi nghỉ hưu là để chống vỡ quỹ BHXH là hoàn toàn không đúng. Vì BHXH được thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp, do Nhà nước đảm bảo.
Thực tế hiện nay, chúng ta đang có số lượng cử nhân thất nghiệp rất lớn, việc tăng tuổi hưu liệu có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội tìm việc của các lao động trẻ không thưa ông?
Đây là điều tất nhiên, bởi hiện nay cung lao động của chúng ta còn rất cao, lao động được đào tạo ra rất nhiều nhưng không có cơ hội tìm được việc làm. Trong khi nguồn lao động đã qua đào tạo được sử dụng mới có 55-56%. Vì vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2021, thậm chí là đến năm 2025 thực trạng này sẽ vẫn tiếp tục kéo dài do cung lao động còn rất lớn.
Vì vậy, theo tôi, chúng ta chưa nên nâng tuổi nghỉ hưu trước năm 2025 để chúng ta sử dụng được những lao động đã qua đào tạo đồng thời trên cơ sở đó, chúng ta sẽ có các chính sách đào tạo theo nhu cầu sử dụng, đào tạo phải gắn với thị trường lao động, cầu sử dụng chứ không thể đào tạo một cách tràn lan như hiện nay. Đặc biệt, người lao động cũng phải xác định đi học không phải chỉ có một mục tiêu duy nhất là vào nhà nước làm việc mà để có việc làm.
Theo tôi việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp tục đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, cũng cần phải tránh được rào cản làm cho một bộ phận nhân lực trẻ, có chuyên môn không tiếp cận được những vị trí, chức vụ cao để họ phát huy năng lực của mình.
Theo ông nếu nâng tuổi nghỉ hưu một cách ồ ạt có dẫn đến chuyện phá vỡ cơ cấu, quy hoạch đội ngũ cán bộ tương lai không?
Nếu như theo dự kiến là từ nay đến năm 2021 sẽ thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu thì vấn đề trên chắc chắn sẽ xảy ra nhưng chỉ trong ngắn hạn. Việc nâng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia BHXH là rất cần thiết nhưng phải có thời điểm, có lộ trình và phải đi theo từng nhóm lao động. Vì vậy, việc thực hiện lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cần được kéo dài, không phải là năm 2021 mà nên kéo dài đến năm 2025 thậm chí là 2030 như vậy, cung lao động của chúng ta sẽ được cân đối.
Đặc biệt, việc nâng tuổi nghỉ hưu còn phải phụ thuộc vào điều kiện sống và khả năng sức khỏe của người lao động. Có thể tuổi thọ của người Việt Nam đã được nâng lên là 73, 74 tuổi nhưng sức khỏe sống tạm được có thể chỉ là 65, 66 tuổi mà thôi.
Người cao tuổi của Việt Nam chất lượng sức khỏe vẫn còn thấp không đáp ứng được việc kéo dài thời gian làm việc nên chúng ta phải tính toán cân đối, thực hiện đồng loạt nhiều chính sách để làm sao vừa nâng cao thể lực, vừa phải tính đến các tác động. Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải có lộ trình phù hợp, phải được phân tích, tính toán, cân nhắc với từng nhóm lao động cụ thể, không thể nâng đồng loạt.
Xin cảm ơn ông!