Đa dạng sinh học - tương lai của sự sống - Bài cuối: Hoàn thiện hành lang pháp lý 

Tham gia Công ước Đa dạng sinh học từ năm 1994, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hướng đến giải quyết các mối đe dọa về đa dạng sinh học một cách toàn diện, bao gồm hoàn thiện hành lang pháp lý, tích cực hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tạo điều kiện cho cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trong nước phát triển...

Chú thích ảnh
Rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá thuộc xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế có chức năng ngăn mặn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đất liền. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Kiên định các mục tiêu bảo tồn 

Việc ngăn chặn tốc độ suy giảm đa dạng sinh học không chỉ để Việt Nam thực hiện các mục tiêu quốc gia, mà còn góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu về đa dạng sinh học. Vì vậy, hành lang pháp lý về đa dạng sinh học ngày càng được hoàn thiện với mục tiêu thúc đẩy hành động tổng thể của các cấp, các ngành và cả cộng đồng trong quản lý, bảo tồn và sử dụng hiệu quả các giá trị thiên nhiên.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, giải pháp ưu tiên là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực bảo tồn đa dạng sinh học. Hệ thống chính sách, pháp luật cần được rà soát đảm bảo tính hệ thống, thống nhất, cập nhật những yêu cầu mới nhằm thực hiện các cam kết quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh đó, cần chú trọng rà soát và tăng cường năng lực của các tổ chức, nhân lực làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ Trung ương đến địa phương; thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các cán bộ làm công tác bảo tồn ở vùng sâu, vùng xa tại các khu bảo tồn thiên nhiên.

Chiến lược cũng chú trọng việc tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho các cấp, các ngành và toàn xã hội; xây dựng lối sống có trách nhiệm, sống hài hòa với thiên nhiên; đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Cùng với Chiến lược, Chính phủ đã ban hành Đề án Tăng cường phòng, chống tội phạm đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, hệ động, thực vật và nguồn gen.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Lần đầu tiên công tác bảo tồn đa dạng sinh học được tiếp cận dưới góc độ quy hoạch quốc gia, mang tính toàn diện, bao trùm.

Quy hoạch nhấn mạnh yếu tố kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học; thực hiện bảo tồn tại chỗ cùng với bảo tồn chuyển chỗ. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên cũng sẽ được tăng cường; hạn chế tối đa việc phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, thay đổi mục đích sử dụng đất tại các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên trong phạm vi bảo vệ....

Dự thảo "Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, ban hành theo quy định.

Các cơ quan chuyên môn đang gấp rút hoàn thiện sửa đổi các nội dung liên quan tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT về hướng dẫn chi tiết và thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó có nội dung về đánh giá tác động đa dạng sinh học, bồi hoàn đa dạng sinh học, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.

Năm 2024, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học sẽ tổ chức đánh giá 15 năm thực hiện Luật Đa dạng sinh học, tạo tiền đề cho việc đề xuất, sửa đổi Luật Đa dạng sinh học năm 2008 theo hướng bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn, bối cảnh trong nước và quốc tế.

Tích cực tham gia các cam kết quốc tế về đa dạng sinh học

Chú thích ảnh
San hô Acropora dưới Vịnh Bái Tử Long. Vườn Quốc gia Bái Tử Long (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) trở thành Vườn di sản thứ 38 của ASEAN vào năm 2007. Ảnh: TTXVN phát

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, từ rất sớm Việt Nam đã tham gia nhiều Điều ước quốc tế liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (năm 1987), Công ước đa dạng sinh học (năm 1994) và các Nghị định thư trong khuôn khổ của Công ước Ramsar về bảo tồn các vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar, năm 1989), Công ước về thương mại quốc tế đối với các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp  (năm 1994)…

Hưởng ứng lời kêu gọi “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái” (2021-2030) của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tích cực tham gia các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Chính phủ cũng thông qua Nghị quyết 05/NQ-CP ngày 15/1/2021 ủng hộ Tuyên bố của các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên tại Hội nghị Thượng đỉnh về đa dạng sinh học trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc; hưởng ứng tuyên bố của Liên hợp quốc về “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái” trong giai đoạn 2021 – 2030; Tuyên bố về rừng và sử dụng đất trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững như giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái...

Đặc biệt, Việt Nam đang triển khai những hành động cụ thể để thực hiện những mục tiêu của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học diễn ra vào tháng 12/2022 tại Montreal (Canada).
 
Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal tập trung vào việc giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học ở cả 3 cấp độ: hệ sinh thái, loài, nguồn gen. Khung đa dạng sinh học có 23 mục tiêu toàn cầu định hướng hành động cho hành động khẩn cấp trong thập kỷ đến năm 2030, được chia thành 3 nhóm vấn đề: Giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học; đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua sử dụng bền vững và chia sẻ lợi ích; các công cụ, giải pháp thực hiện và lồng ghép.

Mục tiêu tham vọng được định lượng rõ nét nhất của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal là 30x30. Theo đó, đến năm 2030, ít nhất 30% diện tích các hệ sinh thái trên cạn, nước nội địa, ven biển và biển bị suy thoái; ít nhất 30% diện tích đất liền, nước nội địa, vùng biển và ven biển được bảo tồn và quản lý hiệu quả…

Với vai trò là cơ quan đầu mối đối với Công ước Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, cụ thể hóa các hành động thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal ở cấp quốc gia.

Đối với mục tiêu 30x30, Việt Nam đã có một hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên được thiết lập theo quy hoạch và chiến lược là 9% diện tích khu bảo tồn trên cạn, 3 - 5% diện tích vùng ven biển. Việt Nam cũng hướng tới áp dụng các biện pháp bảo tồn hiệu quả ngoài khu vực bảo vệ, bảo tồn bằng cách lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong các sinh cảnh sản xuất, sinh cảnh ngoài khu vực bảo tồn.

Việc tham gia và thực hiện các Công ước, các cam kết quốc tế thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong việc cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu. Qua đó thiết lập các mối quan hệ đối tác, huy động nguồn lực, phát huy các sáng kiến, học tập các kinh nghiệm thế giới thực hiện các nhiệm vụ, cam kết về bảo tồn đa dạng sinh học ở cấp quốc gia.

Hoàng Vân (TTXVN)
Đa dạng sinh học – tương lai của sự sống - Bài 2: Bảo tồn gắn với tăng trưởng xanh 
Đa dạng sinh học – tương lai của sự sống - Bài 2: Bảo tồn gắn với tăng trưởng xanh 

Quảng Nam là nơi giao lưu giữa các thế hệ thực vật phía Bắc và phía Nam. Do vậy địa phương có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN