Những năm qua, Quảng Nam trở thành “điểm sáng” trong cả nước về những nỗ lực bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, các loài hoang dã, các nguồn gen quý hiếm.
Vì một Quảng Nam giàu có đa dạng sinh học
Với địa bàn rộng, vị trí địa lý đặc biệt tạo nên sự đa dạng sinh cảnh, Quảng Nam được xếp vào địa phương có tính đa dạng sinh học cao, nằm trong vùng cảnh quan ưu tiên của Trung Trường Sơn và là một trong 200 "điểm nóng" về đa dạng sinh học của thế giới.
Hiện Quảng Nam có 8 khu bảo tồn đã được thành lập, bao gồm một phần Vườn quốc gia Bạch Mã (khu vực Quảng Nam), Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh, Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và Khu dự trữ thiên nhiên Bà Nà Núi Chúa.
Năm 2020, Quảng Nam công bố thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh. Đây là vườn quốc gia đầu tiên của tỉnh và là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất ở Việt Nam. Vườn có tổng diện tích hơn 76 ngàn ha, trải rộng trên địa bàn 12 xã thuộc huyện Nam Giang và Phước Sơn. Trong đó có 58.220 ha nằm trong phạm vi bảo vệ nghiêm ngặt, nguyên vẹn toàn bộ tài nguyên rừng và đất rừng; hơn 18.360 ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái với chức năng bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng. Khu vực này sẽ phục hồi các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và các giá trị khác của khu rừng; thực nghiệm, nghiên cứu lâm sinh, động, thực vật và địa chất thủy văn, phát triển du lịch sinh thái.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc chuyển hạng Khu bảo tồn Sông Thanh thành Vườn quốc gia Sông Thanh là nỗ lực của tình trong việc thực hiện chiến lược bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo tồn động, thực vật quý hiếm. Vườn quốc gia Sông Thanh ra đời không chỉ có ý nghĩa trong bảo tồn mà còn tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới, các loài động vật quý hiếm khu vực Trung Trường Sơn.
Quyết tâm ưu tiên bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học trên địa bàn được thể hiện trong nhiều chương trình, chính sách mà tổng quát nhất là Phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025. Phương án xác định mục tiêu ngăn chặn tốc độ suy thoái của hệ sinh thái và đa dạng sinh học; đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái từng bước được phục hồi, bảo tồn và sử dụng hiệu quả nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo phương án này, tỉnh sẽ có 6 khu bảo tồn thành lập mới bao gồm Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chà vá chân xám Tam Mỹ Tây, Núi Thành; Khu dự trữ thiên nhiên Lim xanh tại xã Lãng, huyện Tây Giang; Khu bảo vệ cảnh quan Chiến thắng Núi Thành; Khu bảo vệ cảnh quan lịch sử văn hóa Nam Trà My; Khu bảo tồn đất ngập nước hạ lưu sông Thu Bồn: Khu bảo tồn biển Tam Hải, xã Tam Hải, huyện Núi Thành. Ngoài ra có 4 vùng đất ngập nước quan trọng gồm vũng An Hòa, huyện Núi Thành: vùng đất ngập nước Bãi Sậy, Sông Đầm, thành phố Tam Kỳ; vùng song Trầu và song Bến Đình, huyện Núi Thành và rừng ngập mặn Cẩm Thanh.
Nhiều dự án của các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân đang được triển khai tại Quảng Nam. Điển hình như các Dự án: Hành lang Bảo tồn đa dạng sinh học các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng nhằm xây dựng thí điểm Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học kết nối các khu bảo tồn tự nhiên trong tỉnh, liên tỉnh và xuyên biên giới do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, với nguồn vốn vay và tài trợ của Ngân hàng phát triển châu Á. Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ với mục tiêu bảo tồn, bảo vệ và quản lý các loài động vật đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng cũng như hai loại rừng quan trọng (rừng đặc dụng và rừng phòng hộ). Dự án “Tăng cường vai trò các cộng đồng và tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn tại khu vực Trung Trường Sơn” do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển tài trợ thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên; Dự án “Giải cứu Sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng”…
Chung sống hài hòa với thiên nhiên
Dự lễ khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn Quảng Nam là địa phương đăng cai tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia bởi tỉnh nằm trong khu vực có tính đa dạng sinh học cao, được bao phủ bởi các sinh cảnh rừng đa dạng, là địa phương còn diện tích rừng nhiều nhất ở Trung Trường Sơn và rất nhiều loài quý hiếm, đặc hữu mang tầm quốc tế sinh sống, phát triển.
Tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024 với chủ đề “Chung sống hài hòa với thiên nhiên” thể hiện quyết tâm hành động của tỉnh; đồng thời là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, chia sẻ trách nhiệm trong công tác bảo tồn dạng sinh học bằng các hành động cụ thể, thiết thực và phù hợp với thực tế địa phương.
Trong khuôn khổ Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia có 37 sự kiện, hoạt động phong phú, đặc sắc diễn ra xuyên suốt từ tháng 3-11/2024 như: Các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học về đa dạng sinh học; các hoạt động nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; ký kết chương trình phối hợp bảo vệ động vật hoang dã xuyên biên giới với tỉnh Sekong (Lào); tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; các hoạt động hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh...
Mở đầu trong chuỗi sự kiện Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024, tỉnh đã tổ chức Triển lãm đa dạng sinh học và mít tinh hưởng ứng chiến dịch hành động vì động vật hoang dã với chủ đề “Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời”.
Ý tưởng chung của triển lãm là trực quan hóa mối quan hệ giữa thiên nhiên (Hệ sinh thái rừng - Hệ sinh thái đất ngập nước - Hệ sinh thái biển) và con người, làm nổi bật những can thiệp của cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong hành trình bảo tồn đa dạng sinh học của quốc gia nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng. Triển lãm dẫn dắt người xem đi qua các nội dung về bối cảnh, những mối đe dọa đối với bảo tồn từ đó đưa ra những phương pháp can thiệp và lời kêu gọi hành động.
Cộng đồng dân cư quanh khu vực sông Đầm (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã ký cam kết chung tay bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước với hơn 500 loài động thực vật sinh sống này. Lãnh đạo tỉnh và thành phố Tam Kỳ đã trồng nhiều loại cây bản địa và thả hàng ngàn con cá giống, góp phần tái tạo, làm phong phú hơn nữa hệ sinh thái của sông Đầm.
Sông Đầm có diện tích mặt nước khoảng 200ha, trong đó tổng lưu vực hồ, bao gồm cả những làng xung quanh khoảng 650ha. Sông Đầm có hệ sinh thái nước ngọt đa dạng, phong phú đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ, là “lá phổi xanh” của thành phố Tam Kỳ. Theo Quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ và có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam đã tổ chức ra mắt Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh. Đây là kết quả của Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam, thực hiện từ năm 2015 đến năm 2021.
Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam là bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước nhằm quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học của địa phương và góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học. Bảo tàng đã sưu tập, lưu giữ hơn 3.700 bức ảnh; hơn 1.200 mẫu vật, tiêu bản động, thực vật cùng bộ dữ liệu, tài liệu, bản đồ số, phim ảnh về đa dạng sinh học.
Bài cuối: Hoàn thiện hành lang pháp lý