Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết "Cùng công nhân thích ứng với tình hình mới" phản ánh về cuộc sống, việc làm, nhu cầu của người lao động cùng các hoạt động hỗ trợ, chăm lo của tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp trong quá trình nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế, hướng đến xây dựng đời sống no ấm, hạnh phúc cho công nhân lao động.
Bài 1: Thị trường việc làm nhiều biến động
Dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được kiểm soát, song vấn đề về lao động, việc làm tại đô thị này đã có những biến động rất lớn, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nhiều người lao động vẫn còn chịu áp lực từ sau khi mắc COVID-19, nhất là tình trạng giá cả tăng cao hiện nay.
Lao động ngoại tỉnh gặp nhiều khó khăn
Theo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, người lao động đang đối diện với nhiều thách thức như việc làm, thu nhập chưa đảm bảo, cuộc sống bấp bênh, giá cả hàng hóa “leo thang”. Bên cạnh đó là các vấn đề về môi trường làm việc, an toàn lao động, vệ sinh phòng dịch và những phát sinh liên quan sau khi bị nhiễm, tái nhiễm COVID-19, người thân mất, khiến tinh thần, sức khỏe người lao động suy giảm…
Chị Nguyễn Ngọc Huệ, công nhân Khu chế xuất Linh Trung 1 (thành phố Thủ Đức) cho biết, gia đình chị từ Nam Định trở lại Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Ban đầu, chị lo lắng bởi không biết tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào, nhưng đến nay sau khi được tiêm vaccine mũi thứ 3 thì chị đã bớt lo.
Theo chị Huệ, tuy việc mắc hoặc tái mắc COVID-19 đối với hầu hết mọi người đã không còn quá lo lắng, song nhiều người lao động sau khi mắc bệnh phải chịu nhiều biểu hiện đi kèm như sức khỏe giảm, người lúc nhớ, lúc quên, không còn năng động như trước đây… Do đó, nhiều công nhân đã thay đổi công việc mới để phù hợp hơn. Nhiều người chuyển sang làm công việc tự do. Một số người lớn tuổi thì trở về quê sinh sống để được gần gũi gia đình, sức khỏe ổn định…
Tương tự, từ tỉnh Bến Tre lên Thành phố làm việc gần 7 năm nay, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Sáu (cùng là công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7) gặp không ít khó khăn khi nơi vợ chồng chị làm việc cắt giảm lao động do dịch COVID-19 kéo dài. Gần một năm trở lại đây, cả gia đình sống nhờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp; việc buôn bán, làm thêm cũng chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống, đóng tiền điện, nước, phòng trọ hàng ngày cùng với tiền ăn học của 2 con.
Thực tế, tại nhiều khu trọ, nhà ở tập thể của công nhân lao động tại các quận 7, 8, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức... đến nay vẫn không "đầy" công nhân như trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
“Cuộc sống sau dịch COVID-19 hiện nay của người lao động không chỉ là cơm, áo, gạo, tiền, việc làm ổn định, mà họ còn chú trọng đến sức khỏe, tinh thần để có thể tính đến những bước tiếp theo, nhất là về lâu dài, khi tuổi tác ngày càng cao. Giải quyết được những điều kiện cơ bản này thì người lao động mới yên tâm, gắn bó lâu dài với công việc đã chọn...”, ông Phạm Văn Tài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp chia sẻ.
Chủ động chăm lo sức khỏe cho công nhân
Trải qua các đợt cao điểm dịch COVID-19, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn; đặc biệt là những lao động ngoại tỉnh càng chịu nhiều vất vả. Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp không chỉ thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; phòng, chống dịch bệnh mà còn tổ chức nhiều hoạt động để chia sẻ cùng người lao động sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Riêng trong Tháng công nhân lần thứ 14, các doanh nghiệp cùng các cấp Công đoàn trên địa bàn đã tổ chức khám sức khỏe, điều trị “hậu COVID-19”; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hội thi tay nghề, chợ phiên nghĩa tình, tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đi đầu trong các hoạt động này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lạc Tỷ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng đã phối hợp cùng Công đoàn Thành phố, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp tổ chức cho hơn 500 nữ công nhân lao động khám ngoại tổng quát, khám chuyên sâu phổi, hô hấp khí, xét nghiệm máu, răng hàm mặt, mắt; đánh giá tác động của các di chứng và biến chứng "hậu COVID-19"; đề xuất gói hỗ trợ và phương pháp phục hồi sức khỏe sau mắc bệnh.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn SBGEAR Vina phối hợp cùng Liên đoàn Lao động huyện Hóc Môn tổ chức Ngày hội “Sức khỏe cho người lao động”, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe bản thân, phòng tránh bệnh nghề nghiệp, một số hội chứng “hậu COVID-19” kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe; các chế độ dinh dưỡng dành cho người lao động sau khi mắc bệnh…
Theo bác sĩ Phạm Văn Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, việc khám, điều trị kịp thời không chỉ mang lại hiệu quả về sức khỏe, mà còn là liều thuốc tinh thần rất lớn, động viên người lao động nỗ lực vượt khó, tích cực thi đua lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng quan điểm, đại diện Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lạc Tỷ cho rằng, việc khám bệnh cho người lao động trong giai đoạn này rất cần thiết, giúp họ biết được thể trạng, sức khỏe của mình để an tâm công tác. Đây còn là dịp để doanh nghiệp nắm rõ hơn về lực lượng, người lao động của mình để có biện pháp phân bổ công việc, chăm lo hiệu quả, thỏa đáng giúp người lao động tự tin hơn để từ đó gắn kết với doanh nghiệp lâu dài.
Liên đoàn Lao động Quận 5 phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương tổ chức Ngày hội sức khỏe vì cộng đồng dành cho nữ công nhân lao động với các hoạt động như khám, xét nghiệm, siêu âm, tầm soát ung thư. Liên đoàn Lao động Quận 10 phối hợp Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn tổ chức Ngày hội “Vì sức khỏe người lao động”, khám sức khỏe, phân loại, tư vấn hỗ trợ điều trị phục hồi "hậu COVID-19", khám dinh dưỡng và tặng quà nữ đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch… qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của sức khỏe, có sức khỏe tốt để lao động sản xuất.
Bài cuối: Tạo động lực để người lao động cống hiến