Linh hoạt thực hiện dân vận
Việc xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Yên Bái gắn liền với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, toàn hệ thống chính trị đối với công tác dân vận và phong trào thi đua.
Nhờ làm tốt công tác dân vận trong mô hình “Dịch rào hiến đất”, nhân dân đã tự nguyện hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất; ủng hộ gần 100 tỷ đồng để xây dựng 27 nhà văn hóa và 335 km đường giao thông nông thôn; tham gia trên 270.000 ngày công phát dọn, sửa chữa, vệ sinh 2.265 km đường làng, ngõ xóm; xây dựng mới 253 tuyến đường điện "Thắp sáng đường quê”; chăm sóc và trồng mới 595 tuyến đường hoa; trồng trên 15 nghìn cây xanh... góp phần đưa Yên Bái trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Từ 1.000 mô hình đăng ký xây dựng ban đầu (năm 2009), đến nay, toàn tỉnh duy trì gần 4.500 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội với 173/173 xã, phường, thị trấn đều có mô hình. Các địa phương triển khai nhiều biện pháp sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện công tác dân vận.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, tỉnh đã xây dựng được gần 1.600 mô hình “Dân vận khéo”, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi trồng thủy sản, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ...
Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, các cấp, ngành, địa phương đã xây dựng, duy trì trên 1.900 mô hình. Tiêu biểu, mô hình vận động đồng bào dân tộc H'Mông “hạ sơn” của xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên; mô hình vận động nhân dân không sinh con thứ 3, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của thôn Chống Tầu, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu; mô hình “Ánh sáng nông thôn mới“ của thôn 6, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái…
Để triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Trạm Tấu Giàng A Chang nhấn mạnh, phong trào “Dân vận khéo” tiếp tục tập trung vào những vấn đề đặt ra trong đời sống hằng ngày, có liên quan mật thiết, trực tiếp đến nhân dân, nhất là việc phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội… Qua đó, công tác dân vận góp phần tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tương tự, sự “thay da đổi thịt” của thôn Bình Sơn (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) được coi như “trái ngọt” từ sự đồng thuận của nhân dân trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Đây là thôn có 100% đồng bào Dao sinh sống. Trước đây, người dân chỉ quen với độc canh cây lúa, hiệu quả kinh tế không cao. Đến nay, người dân đã biết dồn điền, đổi thửa, chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trong thôn không ngừng tăng qua các năm, đến nay đạt 53 triệu đồng/năm. Toàn thôn chỉ còn 3 hộ nghèo.
Gia đình ông Lương Duyên Khoa (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy) mãi không thoát được nghèo do quen với tập tục canh tác manh mún, nhỏ lẻ, bao năm qua. Được cán bộ dân vận tuyên truyền về các mô hình phát triển kinh tế, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ổi, bưởi. Mô hình này đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, sau khi trừ chi phí thu về 100 triệu đồng/năm.
Địa bàn huyện Cẩm Thủy có 40 mô hình “Dân vận khéo” đang phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, khắc phục khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nổi bật là các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; liên kết sản xuất, nuôi, trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả và nguồn thu nhập kinh tế cao góp phần xóa đói, giảm nghèo…
Bà Trịnh Thị Lan, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cẩm Thủy cho biết, xác định công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, Ban đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số chủ động trong thực hiện chính sách dân tộc; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, đời sống, tâm tư nguyện vọng của đồng bào để chủ động tham mưu, đề xuất, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, tìm giải pháp giải quyết hiệu quả...
Nhờ làm tốt công tác "Dân vận khéo", huyện Cẩm Thủy đã xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Huyện giải quyết cơ bản vấn đề đất sản xuất cho nông dân thiếu đất. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 2,96%, giảm 0,98% so với năm 2022.
Nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”
Năm 2023, các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị đã quan tâm, đổi mới công tác dân vận, hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở; nêu cao vai trò giám sát, phản biện, phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, cải cách hành chính, xây dựng “chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”; tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân.
Theo đó, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua “Dân vận khéo” có sức lan tỏa sâu, rộng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, khơi dậy động lực, tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc của mọi tầng lớp xã hội, cổ vũ toàn thể nhân dân hăng hái phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống.
Ban Dân vận Trung ương đã hoàn thành các nhiệm vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, trong đó, đã tham mưu ban hành các nghị quyết, kết luận, quyết định góp phần hoàn thiện thể chế về công tác dân vận; áp dụng thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị; làm căn cứ cho cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nhiệm vụ thuận lợi.
Ban Dân vận các cấp đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận; phổ biến, quán triệt và kịp thời cụ thể hóa, ban hành các văn bản, tổ chức sơ kết, tổng kết các quyết định, quy định, hướng dẫn của Đảng về công tác dân vận của Đảng; xây dựng chương trình và triển khai thực hiện công tác dân vận có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nhiệm vụ chính trị của địa phương, các mục tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân theo hướng sát thực, hiệu quả, gắn với cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát liên quan đến công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, năm 2024, ngành Dân vận tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ công tác đã đề ra. Trọng tâm là tham mưu các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch; tăng cường nắm tình hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo để kịp thời tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết những vấn đề phức tạp, phát sinh từ cơ sở; tiếp tục tham mưu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng các cấp về công tác dân vận. Tăng cường hơn nữa việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân và các ban, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, tổ chức và giải quyết kiến nghị, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, năm 2024, các mô hình “Dân vận khéo” tiếp tục xây dựng, nhân rộng gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần tạo khí thế, động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.