Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) là nơi tập trung hơn 22.000 lao động, trong đó khoảng 80% là lao động ngoại tỉnh. Chuẩn bị cho năm học mới, nhiều công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long lo về chỗ học cho con, nhất là học tại trường tư do trường công lập không còn chỗ nhận.
May mắn sau nhiều lần đăng ký, chị Lý Thị Liệu, 27 tuổi làm cho Công ty TNHH Ryonan Electric Việt Nam mới được vào ở khu nhà cho công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Đông Anh (Hà Nội).
Căn nhà 48 m2, bao gồm 1 phòng ngủ, 1 phòng khách và bếp nhưng đó là cả mơ ước của chị Liệu. Chị Liệu kể: "Trước đây toàn phải thuê trọ ở những căn phòng chật hẹp chỉ chừng 15 m2, nóng bức, chật chội, giá thuê lại đắt. May mắn lần này tôi thuê được căn nhà này, giá thuê chỉ hơn 400.000 đồng/tháng".
Chị Liệu cho biết, vừa thoát được nỗi lo nhà ở thì nỗi lo tiền ăn học của con lại ập tới. Tháng rồi chị cho bé thứ 2 (mới được 15 tháng) đi học mầm non ở trường tư thục, học phí mỗi tháng là 2,5 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền học của cô con gái lên lớp 4, đầu năm học cũng sắp tới gần.
"Mỗi tháng tiền lương của tôi chỉ được 6 triệu đồng, tiền học của 2 con đã mất hơn 1 nửa tiền lương. Nếu tính ăn uống, bỉm sữa của các con nữa là đi hết nguyên tháng lương của tôi, chỉ còn tiền lương của chồng để chi tiêu, ăn uống...", chị Liệu kể.
Khi được hỏi về mong muốn của công nhân lao động, chị Liệu kiến nghị thành phố có thể xây dựng thêm một số khu vui chơi cho con em công nhân. Vì các khu nhà ở cho con em công nhân thường không có khu vui chơi, cũng chẳng có tiện ích gì. Ngoài ra, chị cùng nhiều lao động cũng kiến nghị cơ quan chức năng có thể xây dựng các trường cấp 2, cấp 3 gần nơi ở để con em công nhân không còn phải đi học xa.
"Mong muốn trường học có thể gần nơi ở để các con đi học được thuận lợi, an toàn để bố mẹ yên tâm đi làm. Thêm nữa, tôi mong chính quyền địa phương có hỗ trợ một phần tiền học của trẻ mầm non học trường tư thục có bố mẹ là công nhân khu công nghiệp để chúng tôi bớt khó khăn", chị Liệu nói.
Còn chị Đặng Thị Thu Huệ (Thái Bình), 38 tuổi, là công nhân Công ty Canon Việt Nam đang thuê trọ trong khu nhà ở cho công nhân tại Khu công ngiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Cùng chung nỗi lo giống nhiều công nhân khác, chị Huệ đang rất lo lắng vì tới đây con chị học xong cấp 2, lên cấp 3 nhưng chưa biết sẽ học ở đâu.
Chị Huệ tâm sự: "Không có nhà nên chúng tôi không được xác nhận thường trú ở đây. Hiện giờ các con học cấp 1 và cấp 2 chỉ cần có tạm trú là đăng ký học được, nhưng lên cấp 3 thì yêu cầu con phải có đăng ký thường trú thì mới đủ điều kiện để thi. Tôi đang lo sang năm cháu lên cấp 3 không biết phải cho con học ở đâu. Bố cháu nói, nếu không được chắc phải cho con về quê học".
Mặc dù xác định rõ, nếu không đăng ký thường trú, không được học cấp 3 ở Hà Nội phải về quê học nhưng vợ chồng chị Huệ vẫn rất lo lắng. Bởi lẽ con đang tuổi dậy thì, cho về quê học thì lo ông bà không quản lý được, mà để con ở Hà Nội thì e rằng không đủ điều kiện cho con học trường tư, nếu không đậu trường công.
Khi được hỏi về việc "tại sao không mua nhà ở xã hội rồi đăng ký thường trú?", chị Huệ e dè: "Với thu nhập hiện giờ của 2 vợ chồng không đủ tiền mua nhà. Một căn nhà ở xã hội rẻ nhất cũng khoảng 800 triệu đồng. Hơn 17 năm sống ở Hà Nội, số tiền tích cóp của vợ chồng mình chưa mua nổi được 1 phần căn nhà. Giờ nếu mua thì cũng phải nhờ ông bà 2 bên hỗ trợ. Vì khó khăn nên vợ chồng mình tính chỉ thuê nhà ở thôi, làm một thời gian có vốn tích lũy thì về quê làm ăn chứ không xác định ở lại Hà Nội lâu dài".
Chung hoàn cảnh, chị Trịnh Thị Chung, công nhân Công ty TNHH Kai Việt Nam, đang thuê trọ tại xã Kim Chung, Đông Anh cho biết: "Chúng tôi lo nhất là khi con lên cấp 3, nếu không có hộ khẩu tại địa phương sẽ không được học cấp 3 ở trường công mà phải học trường tư với chi phí tốn kém".
Là công nhân ngoại tỉnh nên chị Chung mới đăng ký tạm trú tại địa phương. "Muốn có hộ khẩu thường trú phải có nhà tại địa phương. Muốn mua nhà xã hội nhưng với mức thu nhập và mức chi phí sinh hoạt cao như hiện nay, chúng tôi khó có cơ hội để mua được nhà ở xã hội", chị Chung chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, Với lượng công nhân lớn cho Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, nên thời gian qua, huyện đã quan tâm, đầu tư các trường mầm non, tiểu học, THCS.... để cho con em công nhân có nơi học. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí, đảm bảo người dân ở đây có gì thì công nhân lao động ở đây cũng được thụ hưởng những cái đó… Dù vậy, việc đáp ứng chỗ học cho học sinh là con em công nhân vẫn còn những hạn chế nhất định.