Đặc biệt, SARS-CoV-2 đã tấn công vào những “thành trì” quan trọng của nền kinh tế - khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp tại các địa phương sử dụng nhiều lao động, và đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Hà Nội…
Công đoàn Việt Nam nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nỗ lực sát cánh cùng đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn, vững vàng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong đại dịch. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về kết quả cụ thể trong việc tham mưu với Chính phủ để thực hiện các chế độ cho người lao động.
Xin ông cho biết tình hình của công nhân lao động hiện nay cũng như các hoạt động trợ giúp của tổ chức Công đoàn trong thời gian qua?
Làn sóng dịch bùng phát kể từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã tác động mạnh mẽ tới người lao động, nhất là công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Bên cạnh 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, đến nay, tại 25 tỉnh, thành phố phía Nam đã có gần 11 nghìn ca F0, gần 90 nghìn trường hợp F1 và hơn 200 nghìn trường hợp F2 là công nhân, viên chức, lao động. Hàng triệu công nhân lao động cả nước phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do đang cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên hàng ngày và đời sống, việc làm của đoàn viên, công nhân lao động, nhất là tại các doanh nghiệp bị phong tỏa gặp rất nhiều khó khăn.
Sát cánh với người lao động, các cấp công đoàn đã tích cực, chủ động vào cuộc từ sớm, phối hợp cùng các cơ quan chức năng tuyên truyền, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng hành cùng Chính phủ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tham gia duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã sớm quyết định sử dụng tài chính công đoàn tích lũy để hỗ trợ đoàn viên, người lao động; miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên có mức lương thấp, lùi đóng kinh phí với các doanh nghiệp gặp khó khăn. Hàng vạn cán bộ công đoàn các cấp ngày đêm bám trụ cơ sở, theo sát chăm lo cho công nhân lao động ở các tâm dịch. Các cấp công đoàn đã hỗ trợ kịp thời hàng triệu phần quà, đồ dùng, nhu yếu phẩm cho người lao động; hàng vạn suất ăn, các loại thực phẩm do cán bộ công đoàn tự tay chế biến được gửi trao tới đoàn viên, người lao động.
Công đoàn các cấp cũng triển khai nhiều mô hình giúp đỡ đoàn viên, người lao động hiệu quả, như: Tổ an toàn COVID-19, Tổ cứu trợ khẩn cấp, Siêu thị 0 đồng, Xe buýt siêu thị 0 đồng, Bếp ăn yêu thương, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho người lao động... Mỗi cán bộ công đoàn chuyên trách đã đóng góp ba ngày lương để ủng hộ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Kết quả công tác chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động theo Báo cáo của Ban Dân vận Trung ương ngày 6/8, công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó Tổng Liên đoàn đã chi 19,3 tỷ đồng; công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở đã hỗ trợ cho 867.972 đoàn viên, người lao động với số tiền hơn 423 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ các hoạt động vận động xã hội của các cấp công đoàn, đã có thêm gần 228 tỷ đồng tới tay hàng trăm nghìn công nhân lao động đang gặp khó khăn; ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng, chống dịch hơn 390 tỷ đồng (trong đó nộp về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 162,82 tỷ đồng; ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống dịch COVID-19 hơn 228 tỷ đồng).
Việc tham mưu với Chính phủ để thực hiện các chế độ cho người lao động được Công đoàn thực hiện thế nào, thưa ông?
Từ thực tế tham gia giám sát việc thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ lần thứ nhất theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Công đoàn đã nhận thấy một số bất cập dẫn đến hiệu quả không cao, chưa sát với yêu cầu thực tế. Thực tiễn đó là căn cứ để Tổng Liên đoàn chủ động nghiên cứu, có kiến nghị kịp thời để chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong đợt dịch thứ 4 này phù hợp hơn. Nhiều ý kiến xác đáng của Công đoàn đã được tiếp thu trong Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có tính khả thi, nhận được sự đồng tình của tuyệt đại đa số người lao động.
Kinh nghiệm cho thấy, một chính sách tốt là một chính sách bắt nguồn từ thực tiễn, từ sự lắng nghe, thấu hiểu cơ sở, đặt mình vào vị trí của người lao động. Quá trình lắng nghe này phải thường xuyên, tích cực, đa chiều, chủ động, ngay cả khi chính sách đã được ban hành để từ đó điều chỉnh kịp thời khi quá trình triển khai gặp khó khăn, bởi diễn biến của dịch bệnh rất nhanh chóng, khó lường và thực tiễn thường phong phú, đa dạng mà chính sách không dễ bao quát, dự báo hết được.
Cán bộ công đoàn cần có đủ trình độ, năng lực để có thể phát hiện cũng như nghiên cứu, tham mưu “hóa giải” được những bất cập khi chính sách chưa sát với đời sống đoàn viên, người lao động. Thời gian qua, lực lượng cán bộ làm chính sách của các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực, có những tham mưu đúng và trúng, được người lao động hết sức hoan nghênh.
Tôi cho rằng Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg là chính sách hết sức quan trọng, kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và doanh nghiệp trong quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố chủ động tuyên truyền, tham gia tổ chức, giám sát việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ này để người lao động được tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất. Tinh thần chỉ đạo là công đoàn các cấp phải chủ động vào cuộc ngay từ đầu để cùng doanh nghiệp lập danh sách, hồ sơ đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
Qua nghe ý kiến phản ánh từ cơ sở, tôi thấy chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương theo Nghị quyết 68/NQ-CP đang vướng mắc về hồ sơ do nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều người lao động không thể ký văn bản thỏa thuận nghỉ việc, hoặc không thể đi công chứng, chứng thực các giấy tờ cá nhân. Do đó, Tổng Liên đoàn đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương quan tâm hướng dẫn để khắc phục những bất cập này. Tổng Liên đoàn cũng đề nghị bổ sung thêm các đối tượng là viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công khác như nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề… được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn là một chính sách mới, tạo thế chủ động cho Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương trong việc xác định đối tượng và mức chi cụ thể cho từng trường hợp bằng nguồn tài chính công đoàn tích lũy của các đơn vị, nên việc triển khai rất kịp thời. Tính riêng kết quả triển khai Quyết định 2606/QĐ-TLĐ, các cấp công đoàn đã chi gần 195 tỷ đồng hỗ trợ cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động và lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó số tiền chi hỗ trợ trực tiếp cho gần 242 ngàn đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là gần 139 tỷ đồng.
Xin ông cho biết định hướng của Công đoàn Việt Nam nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động trong hoạt động sản xuất?
Khi nắm tình hình và kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại một số tỉnh phía Nam, chúng tôi thấy rằng việc duy trì sản xuất an toàn, nhất là tại doanh nghiệp có đông công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không đảm bảo an toàn thì không thể sản xuất, nhưng việc đảm bảo an toàn cho hàng ngàn người trong điều kiện dịch bệnh lây lan nhanh và phức tạp là không hề đơn giản, nhất là khi số ca nhiễm trong nhà máy tăng nhanh. Bên cạnh đó, việc quy định các điều kiện về “3 tại chỗ” có sự khác nhau giữa các địa phương nên cũng gây lúng túng cho doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, ngày 14/7/2021, Tổng Liên đoàn đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng và ban hành Hướng dẫn 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM để định hướng cho việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đánh giá “3 tại chỗ” là một phương án tốt nhất để doanh nghiệp có thể sản xuất được, nhằm giữ vững chuỗi cung ứng, không để đứt gãy sản xuất. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải đảm bảo lựa chọn nguồn lao động không bị nhiễm virus ngay từ đầu vào, có phương án triển khai rõ ràng. Khi đó, người lao động được đưa về khu lưu trú tập trung, đảm bảo an toàn, tránh các nguồn lây nhiễm, hoặc mang mầm bệnh từ bên ngoài vào nhà máy và chuẩn bị cơ sở vật chất tốt để người lao động có thể yên tâm ăn nghỉ và làm việc tại doanh nghiệp trong nhiều ngày.
Đặc biệt, lúc này, vai trò của công đoàn cơ sở trong việc tuyên truyền, ổn định tư tưởng cho người lao động để họ hiểu, đồng thuận thực hiện là rất quan trọng. Kinh nghiệm của 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy, chính công đoàn đã vận động để đảm bảo cho mô hình “3 tại chỗ” thành công. Hiện nay, tại nhiều doanh nghiệp, công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động bố trí các ca sản xuất hợp lý; tham gia chuẩn bị nơi ăn nghỉ; tổ chức bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho người lao động. Cùng với đó lắng nghe, giải quyết những vướng mắc trong tâm tư, kiến nghị để người sử dụng lao động có những điều chỉnh kịp thời, góp sức với doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ông có điều gì muốn gửi gắm đến đội ngũ công nhân, lao động cả nước trước tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp?
Trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19 đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, cán bộ, đoàn viên và người lao động là một trong những nhân tố quyết định để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ. Do đó, tôi mong muốn và đề nghị đoàn viên, công nhân viên chức lao động hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Công điện số 1063/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.
Người lao động cần đồng lòng với giải pháp của Chính phủ: "ai ở đâu ở đấy”, không di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú cho tới khi hết giãn cách; tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, các quy định về cách ly y tế, giãn cách xã hội.
Đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động không nên hoang mang lo lắng, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước; quyết tâm cao, nỗ lực vượt khó, chia sẻ khó khăn chung với doanh nghiệp, địa phương và đất nước; không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo gây mất trật tự - an ninh, an toàn xã hội. Ở những nơi có đủ điều kiện sản xuất, mỗi người lao động hãy làm việc hăng say, tăng năng suất, đảm bảo an toàn, vì cuộc sống của chính mình, vì doanh nghiệp vượt khó, vì đất nước phát triển…
Xin trân trọng cảm ơn ông!