Tuy nhiên, quá trình hội nhập đang đặt ra cho tổ chức công đoàn nhiều thách thức, cần phải đổi mới, nâng cao kỹ năng trình độ, kinh nghiệm thực tiễn về phong trào công nhân và người lao động, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Chia sẻ với khó khăn của công nhân mọi lúc, mọi nơi
Mấy tháng qua, dịch COVID-19 tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động. Với phương châm, đồng hành cùng công nhân trong mọi hoàn cảnh, tổ chức công đoàn các cấp đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm cùng người lao động phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh. Hình ảnh cán bộ công đoàn lăn lộn tại khu cách ly để mang nhu yếu phẩm cho người lao động, hay đến từng nhà trọ của công nhân tặng quà ủng hộ..., được nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, 100% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất ở Hà Nội đã thành lập “Tổ an toàn COVID-19”. Đây là lực lượng nòng cốt làm công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp. Hiện tại đã có gần 1.000 doanh nghiệp triển khai thực hiện với hơn 3.000 “Tổ an toàn COVID-19” được thành lập và đang hoạt động rất hiệu quả...
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang yêu cầu các cấp Công đoàn chủ động, căn cứ vào các quy định hiện hành về tài chính công đoàn để thực hiện việc hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19, kể cả những nơi chưa có tổ chức Công đoàn thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng phải có sự hỗ trợ kịp thời với người lao động.
“Công đoàn các cấp nỗ lực, dồn hết sức, chạy đua cùng thời gian rà soát những trường hợp công nhân, lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch để hỗ trợ kịp thời cho người lao động”, ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn cũng đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021; thông qua chủ trương lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2021 đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Tổng Liên đoàn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức phát động Chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400; phát động Chương trình “Vaccine cho công nhân” thông qua Quỹ Tấm lòng vàng.
Tổ chức Công đoàn đã từng bước thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hóa. Không chỉ chăm lo, mà việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động ngày càng được nâng cao. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ đến gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe những tâm tư, đề xuất của công nhân, lao động trên cả nước.
Sau 5 lần Thủ tướng Chính phủ đối thoại với hàng vạn lao động, đại diện cho giai cấp công nhân trên toàn quốc cho thấy, nhà ở luôn là vấn đề quan tâm nhất của người lao động. Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương phải quy hoạch khu đất để xây dựng chung cư, căn hộ bán hoặc cho công nhân thuê; Chính phủ có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhằm đáp ứng nhu cầu của công nhân.
Từ đề xuất của Tổng Liên đoàn, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” với mục tiêu bước đầu xây dựng được 50 thiết chế của Công đoàn phục vụ công nhân, lao động.
Việc nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên và người lao động được công đoàn hết sức chú trọng. Tổng Liên đoàn đã có trên 300 văn bản tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về quyền lợi của người lao động; chủ trì xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; tham gia xây dựng chính sách bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động, tiêu biểu như Bộ luật Lao động 2019. Công đoàn đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện người lao động trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng tiền lương quốc gia…
Chị Nguyễn Thị Vân Anh (Công ty TNHH YIDA Việt Nam) cho biết, những năm qua, Công đoàn Công ty thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực cho công nhân, quan tâm đến đời sống của anh em, nhất là những gia đình còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, hằng tháng, Công đoàn đều tổ chức các cuộc đối thoại để nắm tâm tư, nguyện vọng của người lao động, giải quyết những vướng mắc mà người lao động gặp phải…
Cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, hiệu quả
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mà tổ chức công đoàn đạt được trong những năm qua, vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế cần khắc phục. Với dự báo số lượng công nhân, lao động tăng nhanh trong thời gian tới, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước. Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động...
Nhằm khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng của tổ chức công đoàn, vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Nghị quyết xác định mục tiêu xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cho rằng, Đảng chỉ đạo, định hướng đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn, đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong điều kiện phải thực hiện các cam kết quốc tế về người lao động là rất kịp thời.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Nguyễn Phi Thường, việc đổi mới mạnh mẽ chất lượng của tổ chức công đoàn rất cần thiết vì cán bộ là gốc, then chốt của then chốt. Trong 6 nội dung thì nội dung thứ 2 của Nghị quyết đề cập đến vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới là rất chính xác.
Cho biết đội ngũ cán bộ công đoàn đã khá hùng hậu, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu hiện có gần 9.200 cán bộ công đoàn cả nước, tính từ Tổ phó Công đoàn trở lên, trong đó có hơn 7.600 cán bộ công đoàn chuyên trách. Đây là một lực lượng rất lớn, đang hằng ngày đóng góp cho sự phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ công đoàn vẫn còn nặng tư duy hành chính, vẫn làm Công đoàn theo cách cũ của thời bao cấp, chưa thực sự có trách nhiệm và gắn bó với cơ sở. Năng lực đối thoại và thương lượng của cán bộ công đoàn hiện nay đã tiến bộ rất nhiều so với 5 hoặc 10 năm trước, nhưng còn hạn chế với yêu cầu thực tiễn.
Tăng cường công tác đào tạo cán bộ công đoàn cơ sở
Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 9, khóa XII của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa diễn ra, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị. Bộ phận soạn thảo Chương trình hành động đã nghiên cứu chắt lọc, cụ thể hóa tối đa các nội dung về giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn được đề cập trong Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị cùng với một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề cập trong Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam thành các nhóm chỉ tiêu theo từng giai đoạn, trong đó, xác định việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn là rất cần thiết.
Thời gian qua, Công đoàn các cấp đã chủ động đề xuất với cấp ủy nguồn quy hoạch cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp; một số nơi đã thực hiện tốt việc gắn công tác đánh giá cán bộ với bổ nhiệm cán bộ, gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ.
Theo Trưởng ban Quan hệ Lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thị Thanh Hà, hoạt động của công đoàn cơ sở hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Để đạt được bản thỏa ước lao động tập thể chất lượng cao, đòi hỏi cán bộ công đoàn cơ sở phải có kỹ năng tốt về thương lượng, đàm phán, khởi kiện... trong khi đây là những điểm còn hạn chế của năng lực đội ngũ này. Bà Trần Thị Thanh Hà cho rằng, để nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn, cần tăng cường công tác tập huấn, cơ chế tuyển chọn cũng như chế độ dành cho họ.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trước mắt, tổ chức công đoàn tập trung phối hợp với cấp ủy để tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn ở các địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn cán bộ công đoàn, cố gắng tuyển được vào hệ thống những cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn về phong trào công nhân và người lao động.
Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung bồi dưỡng cán bộ theo vị trí việc làm, chuyên môn cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao kỹ năng vận động quần chúng, khả năng đối thoại, thương lượng và giải quyết các vấn đề thực tiễn của tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, đề xuất các chính sách đối với cán bộ công đoàn để họ thực sự yên tâm công tác, gắn bó hết mình với tổ chức.
Sau khi thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp đó, cùng sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ công đoàn, chúng ta sẽ có được một đội ngũ cán bộ công đoàn không chỉ đông về mặt số lượng, mà còn mạnh về chất lượng. Đó là những cán bộ tâm huyết, gắn bó với người lao động, thực sự chuyên nghiệp, làm việc ngày đêm, có khả năng dẫn dắt truyền cảm hứng, có tầm nhìn và tiếp cận được các tiêu chuẩn lao động quốc tế…, ông Ngọ Duy Hiểu nói.