Cùng với việc đẩy mạnh và duy trì hoạt động của các "Tổ ứng phó khẩn cấp", Công đoàn các cấp tiếp tục chủ động nghiên cứu, vận dụng linh hoạt mô hình đã thực hiện, mang lại hiệu quả cao trong thời gian gian qua như: Mô hình "Tổ An toàn COVID-19" tại các doanh nghiệp, "Xe buýt siêu thị 0 đồng", "Chuyến xe 0 đồng", "Siêu thị 0 đồng", "Túi An sinh Công đoàn"… đảm bảo thực chất, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề nghị nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp Công đoàn Thủ đô và thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác tham gia, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, người sử dụng lao động để giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, chăm lo, chia sẻ những khó khăn, đặc biệt là đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đoàn viên, người lao động trong các Công đoàn trực quản tại đơn vị, địa phương bị thiếu ăn, thiếu mặc...
Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội là nơi có đông công nhân tại khu nhà ở tập trung, khu nhà trọ công nhân đang bị cách ly, phong tỏa cần nhanh chóng, khẩn trương tham gia, đề xuất, phối hợp với chính quyền, Công an địa phương rà soát, nắm tình hình đời sống của người lao động để tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ hỗ trợ giảm tiền thuê trọ cho công nhân gặp khó khăn. Từ đó, tạo điều kiện để người lao động yên tâm ở lại và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội.
"Phải phát huy hiệu quả hệ thống đường dây nóng, khi có ai khó khăn gọi cho Công đoàn. Ngoài ra cần lưu lại thông tin người đó, xem thuộc địa bàn nào giao Công đoàn cấp trên cơ sở của địa phương đó tiếp nhận, có giải pháp kịp thời hỗ trợ, không để người lao động thiếu ăn, thiếu mặc", ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố, lúc này, các cấp Công đoàn phải triển khai linh hoạt, vận dụng mọi cơ chế, chính sách, tất cả vì người lao động để kịp thời hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Việc chăm lo cho người lao động khó khăn cần có kế hoạch dài hơi, nỗ lực làm hết sức vì tinh thần trách nhiệm với đoàn viên công đoàn, người lao động và vì uy tín của tổ chức Công đoàn.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khiến đời sống, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Đến nay, toàn thành phố đã có 333 doanh nghiệp dừng hoạt động; 1.489 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động. Số lao động mất việc làm là 7.388 người, số lao động thiếu việc làm là 37.100 người.
Trước tình hình đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thăm hỏi lực lượng tuyến đầu và ủng hộ "Quỹ vaccine phòng COVID-19", "Quỹ phòng, chống dịch COVID-19" của thành phố với tổng số tiền hơn 41 tỷ đồng; vận động các nguồn lực xã hội hóa được hơn 94 tỷ đồng; 60.852 đoàn viên, người lao động được hỗ trợ kịp thời và 2.090 doanh nghiệp có "Tổ An toàn COVID-19"; có 615 điểm "Vùng xanh Doanh nghiệp" được gắn biển và phê duyệt phương án hoạt động, sản xuất.
Đáng chú ý, tính đến ngày 19/8, có 73.121 công nhân, người lao động ở 8 khu công nghiệp được tiêm vaccine phòng COVID-19. Các Công đoàn cấp trên cơ sở tích cực triển khai "Chuyến xe Siêu thị 0 đồng", mô hình "Siêu thị 0 đồng" và các mô hình hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế. Theo đó, 18.916 đoàn viên, người lao động gặp khó khăn ở các doanh nghiệp, khu nhà trọ đã được hỗ trợ, với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng.