Tổ chức Công đoàn 'sát cánh' cùng người lao động

Trong đợt bùng phát lần thứ 4, dịch COVID-19 đã tấn công vào những "thành trì" quan trọng của nền kinh tế - khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp tại các địa phương sử dụng nhiều lao động, có đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Hà Nội…

Cùng với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, tổ chức công đoàn các cấp đã huy động mọi lực lượng, sẵn sàng hỗ trợ, sát cánh cùng người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. 

Nhiều khó khăn cần khắc phục

Chú thích ảnh
Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp chuẩn bị “Suất ăn nghĩa tình Công đoàn Gò Vấp” gửi đến công nhân, người nghèo trong khu phong tỏa và lực lượng trực chốt. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, làn sóng dịch bùng phát kể từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã tác động mạnh mẽ tới người lao động, nhất là công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Bên cạnh 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, đến nay, tại 25 tỉnh, thành phố phía Nam đã có gần 11 nghìn ca F0, gần 90 nghìn trường hợp F1 và hơn 200 nghìn trường hợp F2 là công nhân, viên chức, lao động. Hiện, có hơn 1,3 triệu người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. 

Tâm dịch lớn nhất trong đợt bùng phát này là TP Hồ Chí Minh với hàng nghìn doanh nghiệp cùng số lượng công nhân, lao động rất lớn bị ảnh hưởng. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Hồ Xuân Lâm cho biết, dịch bệnh càng kéo dài khiến cho đời sống của người lao động ngày càng gặp nhiều khó khăn. Hiện có gần 621.000 đoàn viên công đoàn, công nhân lao động tại các khu nhà trọ, tạm ngừng việc không hưởng lương và gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 cần giúp đỡ. 

Dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm khiến người lao động phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp kéo dài, không thể duy trì được sinh hoạt do áp lực về chi phí ăn, ở. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc chăm lo, hỗ trợ cho người lao động bước đầu tạm ổn, tuy nhiên cũng rất cần có những biện pháp hỗ trợ lâu dài, nhất là người lao động mất việc làm, người lao động ngoài tỉnh ở trọ...

Tỉnh Bình Dương có nhiều khu công nghiệp, là nơi tập trung đông công nhân lao động, đang là điểm nóng về dịch bệnh chỉ sau TP Hồ Chí Minh. Theo ghi nhận, dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp ở Bình Dương "kiệt quệ", đa số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Hàng chục nghìn công nhân đang đối mặt với những khó khăn trầm trọng.

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, tại một số tỉnh phía Nam, việc duy trì sản xuất an toàn, nhất là tại doanh nghiệp có đông công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không đảm bảo an toàn thì không thể sản xuất, nhưng việc đảm bảo an toàn cho hàng ngàn người trong điều kiện dịch bệnh lây lan nhanh và phức tạp là không hề đơn giản, nhất là khi số ca nhiễm trong nhà máy tăng nhanh. 

Người đứng đầu tổ chức Công đoàn khẳng định đây là giai đoạn khó khăn nhất mà người lao động đang phải trải qua và đội ngũ công đoàn các cấp luôn sẵn sàng đồng hành trong mọi hoàn cảnh. 

Nỗ lực của các cấp công đoàn

Chú thích ảnh
Đại diện Liên đoàn Lao động huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh trao quà hỗ trợ cho người lao động trong khu phong tỏa, cách ly. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Có thể thấy, trong những ngày qua, hình ảnh của đội ngũ cán bộ công đoàn luôn xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, nhất là tại các điểm "nóng" có nhiều công nhân, lao động đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Không chỉ ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho công nhân vượt qua khó khăn, Công đoàn Việt Nam còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Theo thống kê, đến nay, công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính Công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền  hơn 1.222 tỷ đồng cho trên một triệu lượt đoàn viên, người lao động thụ hưởng.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Hồ Xuân Lâm cho biết, công đoàn thành phố vừa triển khai chương trình hỗ trợ 150.000 suất nhu yếu phẩm cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền 22,5 tỷ đồng. Các trường hợp được hỗ trợ theo quy định là đoàn viên, công nhân lao động đang ở trong các khu nhà trọ, khu lưu trú; đoàn viên, công nhân lao động đang ở trong khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, hiệu quả và được triển khai kịp thời như: Chương trình hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu, "Siêu thị 0 đồng", tổ chức đi chợ cho người lao động tại khu cách ly trên địa bàn dân cư và doanh nghiệp; "Bếp ăn yêu thương" hỗ trợ các khu phong tỏa và lực lượng phòng, chống dịch.

Ngoài ra, còn có các mô hình, cách làm hay trong chăm lo vật chất cho công nhân, người lao động như: Vận động khách sạn miễn phí cho y, bác sĩ; giảm giá từ 30% - 70% cho người cách ly gặp khó khăn, "Công đoàn đồng hành cùng người lao động, hộ dân", "Chung sức vượt qua đại dịch"… 

Nhiều địa phương tại TP Hồ Chí Minh cũng đang phát động chương trình miễn giảm tiền nhà trọ, "nhà trọ 0 đồng" nhằm chia sẻ tiền thuê với những người khó khăn, nhất là công nhân, người lao động.

UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện rà soát, thống kê danh sách, sâu sát xuống từng tổ dân phố, khu phố, không để bỏ sót trường hợp nào đang ở nhà trọ gặp khó khăn để thành phố có gói hỗ trợ riêng. TP Hồ Chí Minh không chỉ hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực, thực phẩm mà còn cả việc tiêm vaccine đầy đủ để người dân yên tâm ở lại.

Dù không ảnh hưởng nặng nề như TP Hồ Chí Minh nhưng Thủ đô Hà Nội cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nếu không có biện pháp phòng, chống kịp thời. Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp vẫn buộc phải dừng hoạt động khiến công nhân, lao động bị ảnh hưởng không nhỏ. Thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, chiều 19/8, công đoàn đã trao hỗ trợ khẩn cấp cho 2.000 đoàn viên, công nhân lao động khó khăn tại khu công nghiệp. Trong ngày 21/8 tới, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội sẽ tiếp tục trao cho 2.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp: Thạch Thất - Quốc Oai, Phú Nghĩa, Sài Đồng, Đài Tư và Nam Thăng Long.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh, tỉnh Bình Dương vừa lập 6 tổ công tác để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ lập danh sách đề nghị cho người lao động sớm nhận được hỗ trợ từ Trung ương và địa phương.

Địa phương này cũng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở trọ với mức 300.000 đồng/người. Đến nay, đã hỗ trợ cho 42.781 người với số tiền giải ngân là 12,8 tỷ đồng; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ với mức 500.000 đồng/người. Hiện 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai xuống cấp xã và đang thực hiện rà soát lập danh sách đối tượng được hỗ trợ theo quy định trình UBND cấp huyện phê duyệt.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhận định, trong thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng tạm ngừng sản xuất, đóng cửa… dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục phải dừng lao động, mất việc, giảm thu nhập, không có thu nhập, cuộc sống gặp khó khăn. 

Trước tình hình trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực phối hợp với chính quyền, chủ doanh nghiệp vẫn đang hoạt động trong "vùng xanh" tiếp tục phòng chống dịch COVID-19, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh để đảm bảo việc làm cho người lao động

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin, ngay từ năm 2020 khi dịch COVID-19 mới bùng phát, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho người lao động và đã có nhiều nơi hưởng ứng.  Hiện, các cấp Công đoàn đang tiếp tục vận động các chủ nhà trọ, nhất là tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Ngoài ra, Công đoàn đã và đang đi các khu nhà trọ để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho đoàn viên, người lao động tạm thời ổn định cuộc sống. 

Gần đây nhất, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã đồng ý để các Liên đoàn Lao động: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An chi tổng cộng 61,5 tỷ đồng từ nguồn tài chính Công đoàn tích lũy mua và cung cấp 410 nghìn suất hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động khó khăn tại các khu cách ly, phong tỏa...

Đỗ Bình (TTXVN)
Công đoàn hỗ trợ hơn 1.222 tỷ đồng cho người lao động
Công đoàn hỗ trợ hơn 1.222 tỷ đồng cho người lao động

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, công tác chăm lo cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được triển khai rất tích cực. Công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động tổng số tiền hơn 1.222 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN