Công đoàn Đồng Nai đã khởi kiện 19 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực từ đầu năm 2016 quy định Công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra tòa án.

Sau hơn 1 năm triển khai, nhiều địa phương, vì nhiều nguyên nhân nên việc khởi kiện chưa được thực hiện. Tại Đồng Nai, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của ngành chức năng, tổ chức Công đoàn đã khởi kiện ra Tòa án dân sự địa phương 12 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với số tiền gần 9 tỷ đồng.

Những đơn vị bị khởi kiện nêu trên có thời gian nợ bảo hiểm từ 6 tháng trở lên, dù cơ quan bảo hiểm, tổ chức Công đoàn đã trực tiếp làm việc, thương lượng nhưng họ vẫn chây ì, không thanh toán. Theo phán quyết của tòa án, tất cả 12 đơn vị đều thua kiện, phải khắc phục nợ bảo hiểm xã hội. Đến nay, 10 đơn vị đã khắc phục hoàn toàn và một phần nợ.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cho biết: Để tổ chức Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đã tập hợp hồ sơ, tài liệu về các đơn vị nợ, sau đó chuyển cho Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm cũng chia sẻ kinh nghiệm với tổ chức Công đoàn trong việc kiện doanh nghiệp vi phạm luật bảo hiểm; hướng dẫn các quy trình, thủ tục khởi kiện.

Theo Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai), Luật Bảo hiểm xã hội quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện đơn vị nợ bảo hiểm. Đây là điểm mới, nhằm tăng quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong giám sát thực thi pháp luật và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, thực tế, tại nhiều địa phương, việc hiện thực hóa điều khoản của luật đang gặp rất nhiều khó khăn, đa số hồ sơ khởi kiện của tổ chức Công đoàn nộp lên tòa án đều bị trả lại. Nguyên nhân là do các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động và Bộ luật Tố tụng dân sự còn “vênh” nhau; luật quy định là tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện nhưng không nói rõ là Công đoàn cấp nào (Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên)...

Ông Hà nêu dẫn chứng: “Bộ luật Lao động xác định, tranh chấp bảo hiểm xã hội là tranh chấp lao động, để giải quyết, Công đoàn cơ sở phải đứng ra hòa giải. Nếu hòa giải không thành, Công đoàn cơ sở (chủ thể) đứng ra khởi kiện. Khi ra tòa, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định Công đoàn cơ sở, với tư cách là chủ thể khởi kiện phải có mặt để giải quyết. Tuy nhiên, Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều là người làm thuê cho giới chủ, họ không giám đứng ra khởi kiện – đây là một vòng luẩn quẩn”.

Theo ông Hà, sở dĩ Công đoàn ở Đồng Nai khởi kiện được doanh nghiệp nợ bảo hiểm là do Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn đứng ra làm chủ thể khởi kiện. Khi tiếp nhận danh sách doanh nghiệp nợ bảo hiểm, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn lập hồ sơ, đứng ra làm chủ thể khởi kiện lên Tòa án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Dù khởi kiện thành công, song ông Hà cho rằng, do vướng luật nên tổ chức Công đoàn đang gặp khó khăn. Cơ quan chức năng Trung ương cần nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể để khắc phục những bất cập.

Những năm qua, tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội là vấn đề nhức nhối ở Đồng Nai, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng ngàn lao động. Hiện trên toàn tỉnh có 179 đơn vị nợ bảo hiểm từ 6 tháng trở lên với số tiền hơn 114 tỷ đồng. Đây được coi là những khoản nợ khó đòi. Để thu hồi, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai tiếp tục lên danh sách gửi tổ chức Công đoàn tiến hành khởi kiện.

Công Phong (TTXVN)
Nợ bảo hiểm đã giảm rõ rệt
Nợ bảo hiểm đã giảm rõ rệt

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giảm về số tiền và tỷ lệ phải thu so với năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN