Đồng bộ các giải pháp thu hồi nợ bảo hiểm xã hội

Đến cuối tháng 11, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên cả nước là hơn 14.000 tỷ đồng (chiếm 6,5% kế hoạch thu), trong đó nợ BHXH là 9.550 tỷ đồng, chiếm hơn 67%.

CHẦN CHỪ KHỞI KIỆN, NỢ GIA TĂNG

Nợ BHXH không chỉ ảnh hưởng đến Quỹ BHXH, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Khi triển khai Luật BHXH sửa đổi, chức năng khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH do công đoàn thực hiện, nhưng từ đó đến nay, việc triển khai khởi kiện diễn ra rất chậm. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến nợ BHXH gia tăng thời gian qua.

Nhiều doanh nghiệp chây ỳ

Theo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, việc gia tăng số nợ BHXH từ 7.000 tỷ đồng (năm 2015) lên 9.550 tỷ đồng, đang ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động.

Anh Lê Nguyên Long (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) làm công nhân ở một công ty cơ khí tại Nhổn (Hà Nội) được 2 năm thì xin nghỉ việc, để chuyển về làm gần nhà. Đến nay, anh Long vẫn chưa được nhận BHTN và chưa chốt được sổ BHXH, vì đơn vị cũ đang thiếu nợ tiền BHXH đến 13 tháng. Anh Long đã phải đi lại công ty vài lần để chốt sổ, nhưng đều bị khất lần.

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, mỗi ngày đơn vị phải tiếp và tư vấn cho hàng chục lao động về các thủ tục liên quan đến BHTN và chốt sổ BHXH, đặc biệt là những trường hợp lao động của doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH.

Nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình nợ BHXH.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội, thành phố có 31.428 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, với số tiền nợ trên 2.000 tỷ đồng. Thời gian gần đây, số doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống công nhân viên chức lao động.

Còn theo đại diện BHXH Đồng Nai, tỉnh có gần 70 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 6 tháng trở lên. Tổng số tiền nợ BHXH lên tới gần 123 tỷ đồng. Việc nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp đã gây khó khăn cho việc giải quyết chính sách BHXH, chế độ thai sản, ốm đau... dẫn đến quyền lợi của hàng ngàn người lao động bị ảnh hưởng. BHXH tỉnh đang phối hợp cùng LĐLĐ tỉnh tiến hành rà soát, hoàn tất các thủ tục khởi kiện những doanh nghiệp nợ đọng cao như: Công ty Cổ phần Lilama 45 - 1 nợ 18,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần và đầu tư sản xuất Hoàng Gia nợ trên 10 tỷ đồng...

Theo đánh giá của Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ), một trong những nguyên nhân nợ BHXH là doanh nghiệp cố tình chiếm dụng vốn để kinh doanh. Bởi thực tế nợ BHXH có bị xử phạt thì tiền nộp phạt cũng sẽ thấp hơn lãi suất ngân hàng.

Ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Thanh kiểm tra (BHXH) Việt Nam cho biết, kiểm tra liên ngành tại TP Đà Nẵng, tỉnh Hưng Yên vừa qua cho thấy, chỉ cần kiểm tra, chưa ra quyết định xử phạt thì cả 9/9 đơn vị vi phạm chậm đóng đã ngay lập tức đóng 12/19 tỷ đồng tiền nợ BHXH; tại Hưng Yên 7/8 đơn vị đã nộp 10 tỷ đồng tiền nợ BHXH. Điều đó cho thấy không ít doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không nộp BHXH.

Đưa ra tòa những đơn vị nợ BHXH

Theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân nợ đọng chủ yếu là do BHXH các tỉnh chưa quyết liệt trong việc đôn đốc thu hồi nợ và phối hợp với LĐLĐ để khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng...

Đến nay, BHXH các cấp đã cung cấp danh sách, hồ sơ 91 đơn vị sử dụng LĐ nợ tiền BHXH cho công đoàn, nhưng công đoàn chưa thực hiện vụ khởi kiện nào ra tòa án.

Ông Trương Ngọc Hùng, Trưởng ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ Đà Nẵng) cho biết: Tháng 6/2016, LĐLĐ Đà Nẵng đã thực hiện khởi kiện một doanh nghiệp công trình giao thông và đơn vị này ngay lập tức nộp 500 triệu đồng tiền nợ đọng BHXH. Tuy nhiên, còn rất nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm chưa bị khởi kiện. Nguyên nhân khiến việc khởi kiện bị chậm là do nhân lực cấp quận huyện rất thiếu, chỉ có 2 - 3 người, trong khi số lượng doanh nghiệp nợ đọng nhiều. Do đó, những vụ kiện nợ BHXH bị đẩy lên cấp thành phố. Do quá trình kéo dài, nên nhiều đơn vị khi khởi kiện thì đã “chết lâm sàng”, khó đòi nợ.

Còn theo đại diện LĐLĐ tỉnh Hòa Bình, BHXH của tỉnh đã chuyển sang LĐLĐ tỉnh hồ sơ 5 đơn vị nợ BHXH trên 10 tỉ đồng, nhưng theo tìm hiểu thủ tục, trình tự khởi kiện thì công đoàn cơ sở phải có đơn đề nghị khởi kiện. Bên cạnh đó, là vấn đề án phí, chi phí tố tụng dân sự chưa được Tổng LĐLĐVN quy định cụ thể...

Tại Hà Nội, LĐLĐ giao cho 6 đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp tiến hành hoàn thiện các thủ tục khởi kiện 7 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội. “7 hồ sơ gửi sang tòa án nhân dân, nhưng chưa được thụ lý và đợt 2, LĐLĐ Hà Nội sẽ gửi tiếp 110 hồ sơ khởi kiện sang tòa án nhân dân”, ông Vũ Đức Thuật, Phó giám đốc BHXH Hà Nội cho biết.

Ông Lương Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ pháp chế (BHXH Việt Nam): Để đốc thúc quá trình khởi kiện, BHXH các địa phương phải rốt ráo cung cấp hồ sơ các đơn vị nợ BHXH cần khởi kiện cho công đoàn cùng cấp và theo sát quá trình khởi kiện, đồng thời cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ cán bộ công đoàn trong suốt quá trình tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ thực hiện thống nhất quy chế, cũng như thực thi thẩm quyền khởi kiện trong toàn hệ thống công đoàn các cấp, bởi thực tế, quá trình khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH tại mỗi địa phương đang làm một kiểu theo cách hiểu của mình. 

Ông Nguyễn Minh Anh, luật sư: Qua tư vấn luật lao động cho người lao động và thực hiện các quyền lợi cho người lao động tại địa phương cho thấy, nhiều doanh nghiệp cố tình nợ BHXH để dùng tiền đó quay vòng kinh doanh. Để giảm tình trạng cố tình nợ BHXH hiện nay, cần nâng mức phạt nợ BHXH tương đương với lãi suất ngân hàng và đưa vào truy tố hình sự nếu nợ BHXH kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. 

Chị Bùi Thùy Linh (công nhân may, Cụm công nghiệp Hoài Đức, Hà Nội): Cách đây vài tháng, khi chuẩn bị nghỉ sinh, tôi mới biết công ty đang còn nợ BHXH và phải nhờ đến văn phòng luật sư hỗ trợ mới được giải quyết. Do đó, đề nghị sớm giao sổ BHXH cho người lao động giữ, để còn biết tình trạng đóng bảo hiểm xã hội của chủ doanh nghiệp. Thực tế, chúng tôi chỉ biết hàng tháng lĩnh lương chứ không rõ chủ có đóng BHXH cho mình hay không? Nếu đơn vị nào cố tình chây ỳ không đóng BHXH thì các cơ quan chức năng, công đoàn cần sớm vào cuộc giải quyết, nếu vẫn không thực hiện theo đúng quy định của luật, cần có chế tài mạnh hơn như khởi kiện ra tòa, cưỡng chế thu hồi nợ, để đảm bảo quyền lợi của người lao động.


Xuân Cường
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN