Đồng Tháp: Nợ bảo hiểm xã hội trên 51 tỷ đồng

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến tháng 12/2016 toàn tỉnh Đồng Tháp có 295 đơn vị với 2.266 lao động nợ bảo hiểm xã hội trên 51 tỷ đồng. Trong đó, 171 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên với số tiền bảo hiểm xã hội trên 42 tỷ đồng.

Đến đầu tháng 12/2016, tỉnh Đồng Tháp có 2.547 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, với 84.905 lao động. Số nợ bảo hiểm xã hội chiếm 2,93% so với tổng thu trong năm, phần lớn là nợ trên 6 tháng. Trước tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, ông Hiếu cho biết việc xử lý trước mắt là giao cho phòng nghiệp vụ bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với các huyện, thị, thành phố lập kế hoạch trực tiếp đến các doanh nghiệp có số nợ từ 3 tháng trở lên để đối chiếu và đôn đốc thu nợ; đồng thời phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế và các ngành hữu quan thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc chấp hành chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, định kỳ hàng tháng, hàng quý. 

Bảo hiểm xã hội phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh đến các khu kinh tế để tuyên truyền cho công nhân lao động về quyền và trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm xã hội.Đ ối với những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội do tình hình kinh doanh thực sự khó khăn, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã có giải pháp chốt sổ và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho từng người lao động với điều kiện doanh nghiệp phải có cam kết lộ trình trả nợ bảo hiểm xã hội. Như trường hợp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Công ty cổ phần Thương mại Thủy sản Á Châu, Công ty TNHH may An Long, Công ty cổ phần thủy sản Hùng Hậu và Công ty cổ phần thực phẩm QVD. Do các đơn vị này đã nợ bảo hiểm xã hội kéo dài nhiều năm, tính đến tháng 4/2016, số tiền nợ của 4 doanh nghiệp trên 17 tỷ đồng làm ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của 1.046 lao động. 

Bảo hiểm xã hội tỉnh đã đề nghị các doanh nghiệp này gửi văn bản đến ngành chức năng, xác định thực trạng tài chính doanh nghiệp thực sự khó khăn để phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội xem xét giải quyết cụ thể từng trường hợp của người lao động. Sau khi được ngành chức năng xác định thực trạng tài chính doanh nghiệp thực sự khó khăn, cơ quan bảo hiểm xã hội tính số tiền phải đóng cho người lao động đủ điều kiện giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, người lao động nghỉ việc và thông báo bằng văn bản để doanh nghiệp thực hiện chuyển đóng đầy đủ số tiền phải đóng cho những người lao động này và số tiền theo cam kết trả nợ sẽ được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Tháp thực hiện biện pháp giải quyết và khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm xã hội là thông báo danh sách đơn vị cố tình không trả nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng; lập biên bản đối chiếu số nợ. Sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản, nếu đơn vị không trả nợ, lập văn bản báo cáo UBND tỉnh và cơ quan thẩm quyền để áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật. 
Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
Đồng bộ các giải pháp thu hồi nợ bảo hiểm xã hội
Đồng bộ các giải pháp thu hồi nợ bảo hiểm xã hội

Đến cuối tháng 11, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên cả nước là hơn 14.000 tỷ đồng (chiếm 6,5% kế hoạch thu), trong đó nợ BHXH là 9.550 tỷ đồng, chiếm hơn 67%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN