Tại điểm cấp căn cước công dân lưu động ở thôn Đông Hạ (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), từ mấy ngày nay, các cán bộ chiến sĩ của Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Cẩm Xuyên có mặt từ sáng sớm đến đêm khuya để thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân.
Ghi nhận của phóng viên, người dân trong thôn, từ học sinh đủ 14 tuổi đến các cụ già đều ngồi chờ trật tự. Mỗi người dân được phân chia ra các khu vực để tiếp đón, tiếp nhận hồ sơ một cách khoa học; đeo khẩu trang phòng, chống dịch và rửa tay sát khuẩn khi đến làm việc.
Để tạo thuận lợi cho người dân và đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh, trước đó Công an huyện Cẩm Xuyên đã giao lực lượng Công an các xã, thị trấn đến từng gia đình lập danh sách những công dân trong độ tuổi làm căn cước theo tổ liên gia để bố trí thời gian hợp lý, mời lên làm căn cước.
Bà Trần Thị Bắc (sinh năm 1965, ở thôn Đông Hạ, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: Gia đình bà có đông người nên được các chiến sĩ Công an bố trí khung thời gian khác nhau sao cho hợp lý. Hai ông bà không vướng bận công việc nên sẽ làm căn cước vào ban ngày, còn con cái sẽ tranh thủ sau giờ làm việc lên làm căn cước vào ban đêm.
Theo bà Bắc, người tới làm căn cước khá đông nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ trong tổ công tác, mọi người đều bốc số theo thứ tự, gọi tới tên ai người đó vào làm. Tất cả các bước đều có cán bộ công an hướng dẫn nhiệt tình, giải thích rõ ràng.
Thiếu tá Nguyễn Lộc Bình, Đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Cẩm Xuyên chia sẻ, huyện có trên 150.000 đối tượng trong độ tuổi cấp thẻ căn cước công dân. Để kịp tiến độ công việc được giao, ngoài lực lượng chính của Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội và lực lượng Công an xã, Công an huyện đã điều động thêm các đồng chí trẻ chưa có gia đình ở các đội khác tham gia cùng hỗ trợ. Với khối lượng công việc lớn, để đảm bảo sức khỏe, các cán bộ chiến sĩ chia thành 3 ca: sáng, chiều, tối. Có những thời điểm, ca tối đến 3 giờ sáng mới hết công dân, cán bộ công an phải hoàn thiện hồ sơ đến hơn 5 giờ sáng mới trở về nhà. Đến nay, huyện Cẩm Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ cấp thẻ căn cước cho 5.200 công dân.
Cùng với huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà cũng là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Hà Tĩnh về đảm bảo tiến độ cấp thẻ căn cước công dân. Thượng tá Nguyễn Hoài Việt, Trưởng Công an huyện Thạch Hà cho biết: Nhận thức được vai trò của dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân gắn chíp điện tử của Bộ Công an trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; ngay sau khi kết thúc nghỉ Tết Nguyên đán, Công an huyện Thạch Hà đã huy động tối đa lực lượng bắt tay ngay vào công việc. Với tinh thần “làm hết việc, không hết giờ”, kịp thời phục vụ cho người dân.
Với việc chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí các phương án, bố trí điểm tiếp nhận hồ sơ hợp lý, tinh thần cầu thị, nên việc thực hiện quy trình cấp căn cước công dân được vận hành thuần thục, đạt hiệu quả cao, số liệu thu nhận ngày sau tăng cao hơn ngày trước. Huyện Thạch Hà trở thành địa phương có số lượng hồ sơ cấp căn cước công dân hoàn thành nhiều nhất Hà Tĩnh.
Tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu triển khai tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân từ tháng 1/2021. Thời điểm mới triển khai, do thiếu phương tiện, máy móc và những bỡ ngỡ trong quá trình tiếp cận, vận hành công nghệ mới… nên hiệu quả tiếp nhận hồ sơ chưa được như mong muốn. Với quyết tâm hoàn thành thủ tục cấp căn cước trước kế hoạch do Bộ Công an đề ra, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã huy động tối đa nhân lực, ưu tiên bố trí kinh phí mua, mượn máy móc thiết bị, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và động viên anh em cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, những khó khăn, trở ngại dần được khắc phục.
Thượng tá Trần Thị Ngọc, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Tính đến ngày 16/3, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành gần 60.000 bộ hồ sơ cấp căn cước công dân. Mặc dù thời điểm này, các địa phương đang cùng một lúc thực hiện hai dự án lớn của Bộ Công an là dự án xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân gắn chíp điện tử, nhưng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong toàn ngành đã nỗ lực vượt khó, tăng thời gian làm việc từ 8 giờ lên 10 giờ/ngày và làm thêm vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật trong tuần, thậm chí sẵn sàng làm xuyên đêm để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân làm căn cước công dân gắn chíp điện tử.