Con ngựa trong đời sống người Mông Tây Bắc

Trong bộ 12 con giáp, ngựa là con vật lành, gần gũi và quen thuộc với con người ở mọi miền đất nước. Ở vùng cao Tây Bắc xa xôi và hùng vĩ, con ngựa có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, bởi từ lâu, trong cuộc mưu sinh đầy gian khó, ngựa là “người bạn” thân thiết của đồng bào Mông. Lên Tây Bắc những ngày đầu xuân, tiếng bước chân ngựa đưa người Mông xuống chợ phiên càng làm dậy lên không khí náo nức của mùa xuân.

 

Con vật lành


Nói đến Tây Bắc, người ta nghĩ ngay đến những miền đất xa xôi hiểm trở, nơi mà quanh năm mây mù làm bạn với đèo dốc, núi làm bạn với trời. Là người Mông, ai ai cũng yêu quý con ngựa, con vật như người bạn “tri âm, tri kỉ” không thể thiếu trong đời sống của đồng bào. Ở những miền đất Tây Bắc, không có nhà nào là không nuôi vài ba con ngựa để làm người “bạn đường” trong cuộc sống và lao động.

 

Cứ nơi nào có con người là ở đó có ngựa.


Chúng tôi về thăm bản Tổng Kim, huyện Bảo Yên (Lào Cai), bản Mông cao vời vợi trên lưng trời Lùng Ác nơi có gần 40 hộ người Mông định cư sinh sống. Ông Lý A Pao - trưởng bản Tổng Kim khoe rằng, hiện nay, cả bản có trên 40 con ngựa. Ông Pao cho biết, con ngựa được người Mông nuôi và chăm sóc ngay tại nhà nên con vật này đã biết “trả ơn” chủ bằng sức lực của nó. So với trâu, bò, sức ngựa dẻo dai hơn, chịu hạn tốt hơn. Ngựa cho người Mông sức cày trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn nơi triền núi cao. Ngựa cùng đồng bào Mông xuống chợ phiên, trên lưng mang theo chồng chất những ngô, lúa và sản vật của đồng bào hơn hẳn những chiếc xe máy “cào cào” không sao vượt được suối và dốc đèo. Kể cả những lúc kéo củi, kéo gỗ ở rừng về hay kéo đá ngược dốc, ngựa đều giúp sức cho con người.


Đồng bào Mông Tây Bắc chăm sóc ngựa rất chu đáo và cẩn thận. Nếu ban ngày ngựa đi làm nương vất vả với con người thì tối về ngựa được chủ nhà cho ăn cho uống rất “tươm tất”. Thức ăn của ngựa gồm cây ngô non, cây chuối băm trộn với thóc gạo hay cám gạo cùng bột ngô và uống nước muối. Theo người Mông, có như thế, ngựa mới đủ sức, đủ năng lượng và chống lại được giá rét của vùng cao, ban ngày, ngựa mới khỏe để lên nương cùng chủ được. Tối đến, ngựa được ngủ ở chuồng có chất rơm ấm, vừa ấm vừa có rơm thơm nhai cả đêm. Những ngày Tết ở vùng cao Tây Bắc kéo dài đến tận tháng Giêng, ngựa cũng được ăn Tết cùng người Mông. Người ta đóng móng mới cho ngựa, chải lông, chải bờm, cho ngựa ăn bánh chưng, cùng người Mông đi chơi hội.


Ở đâu có người, ở đó có ngựa


Con ngựa gắn bó với người Mông Tây Bắc. Ở đâu có người, ở đó có tiếng chân ngựa. Ngựa theo người Mông xuống chợ mỗi ngày cuối tuần. Thật ấm áp và bình dị với hình ảnh đôi vợ chồng người Mông trong bộ váy áo Mông sặc sỡ đi bên cạnh con ngựa chất đầy những bao hàng là sản vật nông nghiệp xuống dốc núi cho kịp phiên chợ. Xuống đến chợ, ngựa được buộc một góc, chờ cho chủ bán hàng, cà kê quán rượu đến tận trưa hay xế chiều mới cõng chủ về núi. Có nhiều người Mông, uống rượu say, vợ vắt chồng lên ngang lưng ngựa rồi đùng điêng về nhà. Cảnh thật thi vị và sinh động biết bao.

 

Đua ngựa - một hoạt động thể thao truyền thống tại Bắc Hà (Lào Cai) - thu hút đông đảo người xem.


Mỗi dịp Tết đến xuân về, những bản Mông Tây Bắc rạo rực và ngập tràn sức sống, sức sinh sôi. Trai gái Mông trong các bản dập dìu ra triền núi thổi sáo, thổi tiêu và tỏ tình. Vào dịp ấy, những chú ngựa mới “trưởng thành” theo những chàng trai Mông đi chơi xuân trong rừng mận, nơi chợ phiên, và cả nơi chân núi. Những chàng trai buộc ngựa vào gốc mận, thổi sáo tỏ tình với những cô gái Mông đang chúm chím môi hồng, má đỏ ửng, trong bộ váy sặc sỡ sắc màu.


Tại Si Ma Cai (Lào Cai), nơi được mệnh danh là “đất ngựa”, người Mông đã lập ra phiên chợ ngựa tại xã Cán Cấu để tạo ra một không gian văn hóa mang bản sắc gắn liền với con ngựa. Chợ ngựa để người ta đến thi thố những con ngựa tốt, khỏe và đẹp, là nơi để người ta giao lưu, học hỏi cách thuần dưỡng ngựa. Chợ ngựa Cán Cấu mỗi tuần họp một lần, diễn ra ngay dưới chân núi, ở một mỏm đất rộng. Tại chợ, người ta đóng sẵn các cột trụ vững chắc để buộc ngựa bán, người Mông cũng lập nên những lò rèn móng ngựa ngay tại chợ rồi những quán ăn cho khách và đồ ăn cho ngựa. Khi ánh mặt trời chưa ló khỏi “tấm màn” sương mù dày đặc thì đồng bào Mông trên núi cao đã dẫn hàng đoàn ngựa từ trên núi xuống. Một khung cảnh náo nhiệt, đông vui và tấp nập như xua tan đi cái tịch mịch vốn có ở vùng đất này. Với người Mông Si Ma Cai, con ngựa cũng như con trâu của người Kinh, nó là “đầu cơ nghiệp” nên xuống chợ là chọn ngựa kỹ như chọn vợ vậy. Như thế mới được con ngựa ưng ý, con ngựa tốt.


Vó ngựa trên cao nguyên


Tháng 6 về Bắc Hà (Lào Cai), miền đất được mệnh danh là “Cao nguyên trắng”, du khách sẽ được hòa mình trong không khí chuẩn bị rất tưng bừng cho một giải đua ngựa truyền thống. Đã thành thông lệ, từ lâu lắm rồi, Bắc Hà tổ chức giải đua ngựa ngay tại trung tâm huyện và có nhiều người tham dự. Đồng bào Mông ở hầu khắp các dải đất như Tả Van Chư, Nậm Dét, Na Hối… cứ mùa mận về, lại cùng nhau xuống núi để tham gia và xem giải đua ngựa chỉ diễn ra một lần trong năm.

Trước khi giải diễn ra, người Mông trên núi chọn cho mình một con ngựa tốt, thật đẹp và khỏe, sau đó huấn luyện trong thời gian dài để mong ngựa sẽ giành chiến thắng trong giải đấu. Giải đua ngựa ở Bắc Hà diễn ra nhiều vòng, vòng loại, vòng chung kết ở những cự li khác nhau. Mấy năm nay, cự li thi đấu có rút ngắn để đảm bảo sức khỏe cho người và ngựa. Đến nay, cự li chỉ khoảng từ 1.500 - 1.900 m. Những ngày diễn ra giải đua ngựa, Bắc Hà đông vui tấp nập. Hàng ngàn du khách từ khắp mọi miền về cao nguyên trắng để xem vó ngựa tung bay, hàng ngàn đồng bào địa phương xuống núi để cổ vũ cho “tay ngựa” của bản mình.


Ngày diễn ra những cuộc đấu “tung trời”, những chú ngựa cùng tay đua chạy vòng quanh sân vận động nhanh đến chóng mặt. Trên trường đua, người nào người nấy nai nịt gọn gàng, súng cầm trên tay rất oai vệ, nghe tiếng súng nổ là rạp mình trên lưng ngựa phi như bay. Đến gần đích, kỵ mã đều nhảy thật nhanh xuống đất, nhằm bia bắn liền 5 phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa quay về điểm xuất phát. Ai vừa nhanh, vừa bắn súng trúng đích nhiều nhất là người chiến thắng. Vậy nên, năm nào, giải đua ngựa cũng ấn tượng và đậm sắc màu văn hóa của đồng bào trên cao nguyên Bắc Hà.


Vậy là, từ lâu, trong cuộc mưu sinh dài dằng dặc trên núi cao của đồng bào Mông Tây Bắc, con ngựa như người bạn đường, một “thành viên” quan trọng và không thể thiếu được trong mỗi gia đình. Thế mới biết vì sao người Mông yêu quí và chăm sóc con ngựa của mình đến như thế.

 

Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN