Chung tay giúp đỡ người lao động từ Libi trở về

Chuyến tàu cuối cùng đưa người lao động Việt Nam từ Libi về nước cập cảng Cái Lân (Quảng Ninh) sáng 4/4 đã kết thúc tốt đẹp chiến dịch giải cứu 10.300 người lao động ra khỏi vùng chiến sự. Tuy nhiên, sau niềm vui đoàn tụ gia đình, thoát khỏi sự nguy hiểm của bom đạn, những người lao động phải đối mặt với tình trạng không công ăn việc làm và món nợ ngân hàng. Chỉ có sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội, niềm vui của họ mới thực sự trọn vẹn.

Niềm vui trở về quê hương của những lao động Việt Nam cuối cùng tại Libi sau 35 ngày lênh đênh trên biển. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN



Ngay sau khi về tới đất mẹ bằng đường biển, khi được hỏi, tất cả các lao động trở về nước đều có một tâm nguyện duy nhất, đó là có được công ăn việc làm khác để họ có thể ổn định cuộc sống vốn đang gặp nhiều khó khăn. Anh Trần Văn Quảng, sinh năm 1982, ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) tâm sự: Gia đình khó khăn, nhà có 1 vợ, 1 con, hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nên anh mạnh dạn vay mượn ít tiền để đi lao động ở nước ngoài mong kiếm tiền cải thiện cuộc sống. Chiến sự Libi xảy ra khiến khoản nợ ngân hàng chưa thể trả nổi, cộng thêm cuộc sống gia đình sẽ càng thêm khó nếu anh không thể tìm ngay việc làm mới. Anh Lê Trung Lâm, sinh 1962, ở Thạch Tâm, Thạch Hà (Hà Tĩnh) nói: Dù không còn trẻ nữa, song nếu có cơ hội đi lao động ở nước khác anh vẫn đăng ký, chấp nhận cảnh sống xa gia đình để kiếm tiền.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa về công ăn việc làm cho những người lao động từ Libi về nước hiện được xem là ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Ngay sau khi đón những người lao động về địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ mỗi lao động 3 triệu đồng, ngoài ra chính quyền địa phương tùy theo tình hình có những hỗ trợ riêng về tài chính.

Ông Vũ Việt Hải, đại diện Công ty Việt Thắng, đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở Libi, cho biết: Việc thanh lý hợp đồng với người lao động thực hiện không khó, tuy nhiên nếu làm như vậy người lao động sẽ rất thiệt thòi. Chính vì vậy, Công ty Việt Thắng đang tìm mọi nguồn việc làm cả ở trong nước và thị trường nước ngoài để có thể hoán chuyển miễn phí công ăn việc làm khác cho số lao động từ Libi về nước.

Trong ngày đón hơn 1.000 người lao động cuối cùng từ Libi về nước, hai doanh nghiệp đưa người đi xuất khẩu lao động là Công ty Vinaconexmec và Công ty Việt Thắng đã bố trí 30 ô tô chờ sẵn để chở lao động về địa phương. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng. Công ty viễn thông quân đội (Viettel) tặng mỗi người lao động một sim điện thoại với gói thuê bao trả trước Tomato.

Tại cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình sáng 5/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương khẩn trương rà soát đối tượng, đời sống gia đình, nhu cầu việc làm của số lao động từ Libi trở về để tỉnh có phương án hỗ trợ.


Ninh Bình hiện có 231 lao động Libi về nước đã được các địa phương thống kê và đưa vào diện hỗ trợ khó khăn.

Tuy chưa thống kê đầy đủ các đối tượng lao động về, nhưng tỉnh Ninh Bình đã có chủ trương hỗ trợ 3 triệu đồng/lao động. Ngoài ra, thành phố Ninh Bình còn hỗ trợ thêm mỗi lao động 2 triệu đồng cho những người thuộc địa bàn thành phố.

Văn Đức - Nguyễn Văn Cảnh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN