Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ tích cực công tác phòng, chống dịch COVID-19

2020 là năm nhiều khó khăn, thách thức đối với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khi liên tiếp nhiều sự cố bất ngờ xảy ra như dịch COVID-19, hạn hán xâm nhập mặn, bão lũ, sạt lở đất... Trong bối cảnh đó, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên ngành phòng dịch Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về những nét nổi bật trong hoạt động nhân đạo của Hội năm 2020 cũng như phương hướng hoạt động cho năm mới.

Thưa Phó Chủ tịch, được biết, năm 2020 tổng giá trị hoạt động nhân đạo của toàn Hội đạt gần 4.800 tỷ đồng (tăng trên 10% so với năm 2019), để đạt được kết quả như vậy trong một năm đầy khó khăn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai các phong trào trong toàn Hội như thế nào?

Năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành và thiên tai khó lường tại khu vực miền Trung là những sự cố bất ngờ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Với vai trò là tổ chức nòng cốt trong hoạt động nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn ứng phó với các thách thức trong lĩnh vực này. Nhận thức được vai trò của mình, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực; xác định rõ trách nhiệm, đảm bảo thống nhất đầu mối trong quá trình triển khai thực hiện.

Đặc biệt, ở Việt Nam mỗi khi có thiên tai, thảm họa hay sự cố nghiêm trọng xảy ra, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của người dân nổi lên rất mạnh mẽ. Nhờ sự chủ động, quyết liệt để ứng phó hiệu quả; huy động được nguồn lực, sự ủng hộ của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế nên các hoạt động của Hội năm qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Minh chứng là tổng giá trị hoạt động nhân đạo đạt gần 4,8 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2019, trợ giúp cho trên 21,5 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn.

Xin ông chia sẻ rõ hơn về các hoạt động trợ giúp nhân đạo đã được các cấp hội triển khai trong năm qua?

Trong năm 2020, các hoạt động trợ giúp nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ tập trung vào hai đối tượng chính là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 và những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại miền Trung. Các hoạt động được Hội triển khai xuyên suốt từ đầu năm đến cuối năm, ngay trong phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" xuân Tân Sửu năm 2021, Hội cũng tập trung hỗ trợ chủ yếu các đối tượng này.

Khi dịch mới xuất hiện rồi bùng phát mạnh tại Việt Nam, Hội đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; triển khai kịp thời các kế hoạch hành động; huy động nguồn lực để hỗ trợ cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên y tế tuyến đầu chống dịch các vật tư y tế và nhu yếu phẩm cơ bản; cấp phát "Túi hàng gia đình" trực tiếp đến các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong các khu dân cư thực hiện phong tỏa tạm thời; vận động các đối tác hỗ trợ triển khai dự án ứng phó với dịch tại 13 tỉnh, thành phố… 

Nhiều mô hình hay, sáng tạo được lồng ghép thực hiện để phòng, chống dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ cho người dân như: "Chợ Nhân đạo", "Chuyến xe yêu thương, hạt gạo nghĩa tình", "Hành trình tri ân"... Ngay trong thời điểm này, Hội đang trợ giúp những khu vực bị phong tỏa, cách ly thông qua nhiều hình thức linh hoạt để đảm bảo hỗ trợ cho người dân đón Tết và an toàn cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Thời kỳ bùng phát dịch COVID-19 cũng là thời điểm Việt Nam chuyển sang mùa mưa, mùa của thiên tai, thảm họa. Để ứng phó tốt với mùa thiên tai trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Hội đã chủ động tổ chức hội nghị phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2020, tập trung thảo luận về kế hoạch chuẩn bị ứng phó, dự phòng cũng như lập bản đồ nguồn lực để ứng phó các thảm họa; điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp phù hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh. Trung ương Hội cũng ban hành Lời kêu gọi hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ; vận động nguồn lực; tổ chức nhiều đoàn cứu trợ khẩn cấp, để kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nặng nề đạt trị giá trên 237 tỷ đồng....

Chú thích ảnh
Đoàn cứu trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chuyển hàng cứu trợ tới người dân ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, ngày 21/10/2020. Ảnh: Võ Dung/TTXVN

Trong năm qua, công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được đánh giá là "điểm sáng" trong Phong trào quốc tế, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Công tác phòng, chống dịch trong hệ thống Hội năm qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với tổng kinh phí hỗ trợ đạt trên 434 tỷ đồng. Cụ thể, các cấp Hội trong cả nước đã tổ chức gần 11.000 buổi truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 cho gần 2 triệu lượt người; cấp phát gần 88.000 tờ rơi phòng, chống dịch bệnh; cấp phát miễn phí khẩu trang, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, bộ quần áo phòng, chống dịch..., hỗ trợ tiền mặt cho người dân cùng lực lượng chống dịch tuyến đầu.

Bên cạnh đó, với vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội cũng đã hỗ trợ cho người dân các quốc gia như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Campuchia với hơn 800.000 khẩu trang y tế, trị giá 176.000 USD; đồng thời đóng góp 30.000 USD cho Lời kêu gọi khẩn cấp toàn cầu phòng, chống dịch COVID-19 của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; cập nhật thường xuyên về tình hình diễn biến dịch COVID-19 cho các đối tác liên quan… Hoạt động của Hội đã được Hiệp Hội ghi nhận, đánh giá cao về tinh thần nhân đạo quốc tế và trách nhiệm của Hội đối với Phong trào.

Trong hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo các Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Đông Nam Á lần thứ 17, Hội đã có báo cáo chia sẻ các bài học thành công trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 và được đánh giá rất cao.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Hội đã nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, kinh phí từ Hiệp hội Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Đức, Hội Chữ thập đỏ Thụy Sỹ, Hội Chữ thập đỏ Singapore. Gần đây, Hội đang tiếp tục đề xuất những dự án mới có liên quan tới vaccine COVID-19 thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hoặc một số đối tác của các Hội quốc gia khác. Nhờ sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, đến nay, Hội vẫn còn kinh phí để tiếp tục hỗ trợ cho người dân ở trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam hướng dẫn người dân rửa tay bằng xà phòng sát trùng đúng cách. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

2021 là năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông có thể chia sẻ về các kế hoạch, hoạt động trọng tâm mà Hội sẽ thực hiện?

2021 là năm diễn ra Đại hội Chữ thập đỏ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Hội; kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội và là năm đầu tiên "Tháng Nhân đạo" chính thức được triển khai trên toàn quốc. Dự báo tình hình thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường; nền kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục gặp những khó khăn, bất lợi. Do đó, Hội đặt mục tiêu tiếp tục tổ chức có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động theo hướng đổi mới, sáng tạo, phù hợp thực tế; chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thảm họa và dịch bệnh; củng cố, nâng cao năng lực của các tổ chức, cán bộ Hội các cấp; tăng cường công tác đối ngoại, vận động để đảm bảo nguồn lực thực hiện các phong trào, các cuộc vận động của Hội…

Trong năm, Hội sẽ tiếp tục tham mưu trình Ban Bí thư phê duyệt Đề án Tiếp tục xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức nòng cốt trong hoạt động nhân đạo và phong trào chữ thập đỏ; tham mưu tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư; đề xuất Ban Bí thư ban hành Chỉ thị/Kết luận phù hợp với yêu cầu của công tác Chữ thập đỏ trong điều kiện mới; ban hành Chiến lược và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Hội cũng sẽ đề xuất Quốc hội nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung  Luật hoạt động Chữ thập đỏ sau 10 năm thực thi để phù hợp hơn với tình hình mới.

Xin cảm ơn ông!

Minh Huệ/TTXVN (thực hiện)
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng quà cho người dân vùng ảnh hưởng thiên tai ở Phú Yên
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng quà cho người dân vùng ảnh hưởng thiên tai ở Phú Yên

Ngày 21/1, tại xã An Lĩnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức tặng quà cho các gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN