Sẻ chia những mất mát mà đồng bào tỉnh Thừa Thiên - Huế phải hứng chịu do thiên tai gây ra, Chủ tịch Hội Chữ thâp đỏ Việt Nam cho biết, Trung ương Hội đã và đang nỗ lực kêu gọi các tổ chức trong, ngoài nước hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề do thiên tai. Đồng thời, mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực, làm tốt công tác hỗ trợ, khắc phục bão lũ cho người dân; giúp bà con sớm khôi phục cuộc sống, kinh tế và sản xuất.
Các cơn bão và mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vào tháng 10/2020 vừa qua đã để lại nhiều thiệt hại nặng nề cho địa phương, làm 43 người thiệt mạng và mất tích, hàng trăm ngàn ngôi nhà của người dân bị ngập chìm trong biển nước. Rất nhiều hộ dân trắng tay, khốn đốn sau bão lũ.
Để chia sẻ những khó khăn của người dân Thừa Thiên - Huế, bà Nguyễn Thị Xuân Thu cùng Đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên và trao quà tiền mặt trị giá 1 triệu đồng/suất cho 100 hộ dân nghèo tại xã Thủy Vân (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do ngập lụt trong đợt thiên tai xảy ra vừa qua.
Đặc biệt, tại hai gia đình có công nhân bị mất tích trong vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3, Đoàn công tác đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và trao tặng các phần quà tiền mặt trị giá 3 triệu đồng cho mỗi hộ nhằm động viên tinh thần nhân thân của nạn nhân vượt qua đau thương, mất mát.
Cảm động trước sự quan tâm, chia sẻ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thân nhân nạn nhân Phan Chí Thanh (phường An Cựu, thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế) bày tỏ lòng cám ơn sâu sắc và mong muốn sớm vượt qua khó khăn. Anh Phan Chí Thanh (sinh năm 1995) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hiện nay, anh và 11 nạn nhân khác trong vụ sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 chưa được lực lượng cứu hộ tìm thấy.
Cũng trong dịp này, 30 cán bộ thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hai do mưa lũ được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng các phần quà thiết thực bao gồm tiền mặt, lương thực, thực phẩm, nước sạch…
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu cho hay, thời gian qua, các cán bộ tỉnh hội đã cùng chính quyền tham gia phòng chống dịch COVID-19, hiến máu nhân đạo và giúp người dân ứng phó, khắc phục bão lũ. Dù gặp nhiều khó khăn, mất mát nhưng với tinh thần cộng đồng, họ đã cống hiến, làm tốt nhiệm vụ cao đẹp của người cán bộ Hội Chữ thập đỏ. Thời gian tới, Trung ương Hội sẽ hướng đến các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế, phục hồi đời sống cho cán bộ hội các cấp.
Như vậy, tính từ khi cơn bão số 5 diễn ra đến nay, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều phần quà, hàng hóa và tiền mặt trị giá 2,1 tỷ đồng.
Dịp này, Đoàn công tác cũng đã trao tặng 3 bộ thuyền máy, xuồng, phao cho Đội ứng phó thảm họa tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đội ứng phó thảm họa huyện Phong Điền và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thay mặt chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cám ơn sự hỗ trợ, động viên đến từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; mong muốn Trung ương Hội cùng chung tay đẩy nhanh quá trình phục hồi, tái thiết cuộc sống người dân địa phương sau thiên tai trong thời gian tới.
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thể hiện tốt uy tín và sự chuyên nghiệp trong việc điều phối, tổ chức các hoạt động cứu trợ, cứu nạn cũng như nâng cao kiến thức kỹ năng phòng, chống thiên tai trong cộng đồng. Đối với các nguồn cứu trợ, tỉnh luôn chủ trương phân phối kịp thời đến tay người dân, đảm bảo cho bà con không bị thiếu đói, thiếu chỗ ở sau mưa lũ.
Đợt cao điểm bão lũ vừa qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm tốt, bài bản công tác phòng chống và cứu hộ, cứu nạn, nhờ đó hạn chế được nhiều thiệt hại xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, "di chứng" của bão lũ để lại vẫn rất nghiêm trọng; nhiều người dân gần như mất hết của cải, nhà cửa; đời sống bà con bị đảo lộn nặng nề. Một số địa phương đến nay vẫn còn bị cô lập, chia cắt.
Đặc biệt, dù khẩn trương cứu hộ nhưng đã 19 ngày trôi qua, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 vẫn chưa thể hoàn thành do điều kiện thời tiết khó khăn, nguy cơ sạt lở. Sự mất mát về người vẫn chưa hết nguôi ngoai trong lòng người dân Thừa Thiên - Huế.
Thời gian tới, người dân Thừa Thiên - Huế rất cần những tấm lòng thiện nguyện cùng sự hỗ trợ chung tay của xã hội để phục hồi sinh kế, ổn định cuộc sống một cách bền vững trước những biến động của thiên tai.