Chủ động phương án phối hợp giữa các lực lượng khi xử lý sự cố cháy, nổ

Sáng 30/10, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp nhiều lực lượng quy mô cấp tỉnh, xử lý tình huống cháy nổ lớn tại khu dân cư khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh.

Chú thích ảnh
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huy động nhiều phương tiện tham gia thực tập.

Buổi thực tập nhằm nâng cao kỹ năng, chiến thuật, năng lực chỉ huy, điều hành, tổ chức chữa cháy của các lực lượng tham gia chữa cháy, tạo thế chủ động trước mọi tình huống cháy, nổ, sự cố tai nạn; làm giảm mức độ tổn hại thấp nhất về tính mạng, tài sản của nhân dân khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phòng cháy, chữa cháy; tuyên truyền đến người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy tại gia đình, cơ sở.

Lực lượng thực tập được huy động gồm 150 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cảnh sát cơ động, các lực lượng tại chỗ, xe chỉ huy, xe chữa cháy, xe thang, xe tiếp nước, xe cứu thương.

Chú thích ảnh
Lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy ban đầu.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, mặc dù tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh xảy ra ít nhưng nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ vẫn tồn tại. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa thì cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp thấy được nguy cơ của cháy, nổ để hình thành ý thức “phòng cháy hơn chữa cháy”; hướng dẫn người đứng đầu các cơ sở, doanh nghiệp, chủ các nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình phải đặc biệt cẩn thận trong sử dụng điện, gas không để xảy ra những vụ cháy đáng tiếc, trường hợp xảy ra cháy thì phải biết kỹ năng xử lý khi mới phát sinh. Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy; bổ sung kịp thời dụng cụ, phương tiện chữa cháy; bảo dưỡng, bảo trì hệ thống kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, phương tiện chữa cháy đã được trang bị, lắp đặt; củng cố, duy trì hoạt động của lực lượng tại chỗ; tự xây dựng và thực tập phương án chữa cháy theo quy định.

Chú thích ảnh
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tham gia chữa cháy.

Đồng thời, tiến hành rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế phối hợp giữa các lực lượng; trong đó, lực lượng Công an là nòng cốt, để khi có sự cố cháy, nổ xảy ra bảo đảm vận hành nhịp nhàng, kịp thời giải quyết nhanh sự cố, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Công an tỉnh tiếp tục chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, có nhiều người lao động, các cơ sở kinh doanh có nhiều tầng, các siêu thị, trung tâm mua sắm.

Đối với các sở ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, phải xác định công tác phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật, làm tốt công tác phối hợp với lực lượng Công an trong thực hiện các kế hoạch, phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tin, ảnh: Hồng Thái (TTXVN)
Ứng dụng công nghệ cảnh báo sớm cố cháy, nổ
Ứng dụng công nghệ cảnh báo sớm cố cháy, nổ

Ngày 14/8, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07, Bộ Công an) tổ chức Tọa đàm quốc tế “Ứng dụng sản phẩm công nghệ mới trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN