Cho con một kỳ nghỉ hè ý nghĩa - Bài 1: Muôn kiểu học hè

Từ lâu khái niệm “nghỉ hè” trở thành xa lạ với những trẻ em thành phố. Thay vì được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè, các em được cha mẹ đăng ký cho học tại các trung tâm ngoại ngữ, Cung thiếu nhi, tham gia học kỳ quân đội, các trại hè… Điều đáng nói là không phải khóa học nào cũng hiệu quả với các con.


Bài 1: Muôn kiểu học hè


Để bớt đi gánh lo trông con mỗi ngày, nhiều phụ huynh đã cho con một lịch trình học hè kín mít. Một số phụ huynh tiết lộ, số tiền bỏ ra cho con học hè có khi bằng tiền học cả năm của con.

 

Trại hè khơi dậy tiềm năng nghệ thuật của Trung tâm đào tạo nghệ thuật Taca Emca. Ảnh: Trung tâm cung cấp

Năm nay, những lớp học hè không chỉ tập trung vào các môn năng khiếu, nghệ thuật, ngoại ngữ… mà còn thêm những lớp học giúp trẻ rèn luyện kỹ năng sống, hay lớp học đáp ứng sở thích tìm tòi, phát triển khả năng của trẻ.


Năm nay, Cung thiếu nhi Hà Nội tổ chức một số lớp học mới như: Làm đồ chơi bằng vải - giúp các em có ý thức tiết kiệm và sử dụng nhiên liệu có ý nghĩa, phát triển khả năng sáng tạo, rèn luyện tính kiên trì, chịu khó, khéo léo và yêu lao động nghệ thuật, góp phần giáo dục thẩm mỹ; “Câu lạc bộ bé vui đọc sách” để phát triển ngôn ngữ trí tuệ - giúp bé hứng thú hơn với việc đọc và ứng dụng, hiểu sâu hơn những gì đã được học; lớp “Điện - Điện tử” giúp các em bước đầu tìm hiểu, làm quen về điện tử, cũng như cách sử dụng và phòng tránh khi sử dụng điện tại nhà và nơi công cộng; mô hình lắp ráp Huna - khám phá thế giới Robot. Một mô hình mới khác là “Phòng tham vấn tâm lý học đường”, được tổ chức miễn phí cho các phụ huynh và học sinh có nhu cầu. Những lớp học này mở ra đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều gia đình.

Các lớp học kỹ năng sống, những chương trình học như: “Sống có giá trị”, “Dám dẫn đầu”, “Tư duy tích cực”… trong vòng từ 1 - 3 buổi, với học phí lên tới 600.000 đồng/buổi, cũng được nhiều gia đình lựa chọn.


Chị Hoàng Lan (Tập thể viện 108, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bên cạnh việc học vẽ, học kỹ năng sống, năm nay, chị đăng ký cho con gái học thêm khóa làm đồ chơi bằng vải của Cung thiếu nhi Hà Nội. Chị Lan chia sẻ: “Con gái rất cần được rèn luyện khả năng khéo léo và tính kiên trì. Vì vậy, khi thấy có môn học này, tôi đã đăng ký ngay cho cháu”. Chị Lan cho biết, lịch học các môn phải khác nhau thì cha mẹ mới đỡ công đưa đón được. Tuy nhiên, khi được hỏi về những môn học này con gái chị có thích không, thì chị Lan ngại ngần: “Lựa chọn này là của tôi. Cháu là con gái nhưng lại rất thích học môn võ thuật, bơi lội, nhưng tôi muốn hướng con tôi đến những đích mà mình mong muốn, nên đã phải thuyết phục cháu rất nhiều lần”.


Bên cạnh các lớp học hè, nhiều gia đình lại lựa chọn chương trình bán trú cho trẻ. Chị Tuyết Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cậu con trai 5 tuổi của chị năm nay tham gia trại hè kéo dài của trường mầm non tư thục mà cháu đang theo học. “Ở trại hè này con được ăn uống, ngủ nghỉ đều đặn, được đi dã ngoại theo từng tuần. Cháu tham gia trại hè giúp tôi giải quyết được khâu “trông con”, đồng thời cháu cũng không phải cả ngày chỉ loanh quanh trong nhà, sẽ thiệt thòi hơn các bạn. Nghỉ hè giờ trẻ em được học hành nhiều lắm, tôi cũng không muốn con mình thua thiệt”, chị Mai bộc bạch.


Cùng với những lựa chọn cho con học tại các trung tâm, tham gia trại hè, thì ở lứa tuổi lớn hơn từ 7 - 10 tuổi, ưu tiên của nhiều gia đình năm nay là gửi con tới những “Học kỳ quân đội” hay “Thiền viện Trúc Lâm”.


Không phải vất vả suy nghĩ lên các lịch học cho con, chị Thanh Thúy (Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) cho hay, cả hai cô con gái của chị đều học trường tiểu học Nguyễn Siêu. Sau khi tổng kết năm học, hai cháu được học tại trường tiểu học quốc tế (Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội). Chị Thúy cho biết: “Nghỉ hè với các con tôi cũng như những ngày trong năm học. Chỉ khác tính chất là các cháu không phải học các môn học như trong năm. Thay vào đó, trường cho con học các môn nghệ thuật, kỹ năng sống, ngoại ngữ và dã ngoại, đồng thời, con được ăn nhiều món ngon, đi ngủ đúng giờ. Hàng ngày, chúng tôi vẫn một hành trình đưa đón con như trong năm học. Bởi cả hai vợ chồng đều đi làm kín ngày. Mặc dù hai chị em đã lớn (7 - 9 tuổi) nhưng nếu ở nhà là hai cháu chơi điện tử trên máy tính, Ipad, xem tivi cả ngày. Thậm chí, hai chị em hay “chành chọe” nhau nữa. Khi đó người lớn không ở nhà khó mà phân giải được”. Được biết, học phí tại trường này là 8 triệu đồng/tháng/học sinh.


Bên cạnh đó, có những trại hè tại một số nước như Singapore, Malaysia với số tiền lên tới 30 triệu đồng cho khóa (7-8 ngày đêm) nhưng vẫn có phụ huynh đăng ký. Chị Hải Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, do con đã được trải qua trại hè này từ năm ngoái và thấy khả năng nói tiếng Anh của cháu tốt lên, nên gia đình tiếp tục đầu tư trong năm nay. Với mục tiêu lâu dài cho con được đi du học, chị Hà cho rằng việc đầu tư như vậy là xứng đáng.

 

Lê Vân


Bài cuối: Lợi bất cập hại

Cho con một kỳ nghỉ hè ý nghĩa - Bài cuối: Lợi bất cập hại
Cho con một kỳ nghỉ hè ý nghĩa - Bài cuối: Lợi bất cập hại

Đừng vì bảo đảm việc “trông trẻ” để lên lịch học kín mít, hay chạy theo phong trào cho con đi học hè mà chọn lớp học hè cho con. Phụ huynh nên dựa trên sở thích, năng lực của trẻ. Đây là lời khuyên của những nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tham vấn tâm lý giáo dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN