Chỉ đến khi dư luận vào cuộc, các cơ quan chức năng mới đưa ra giải pháp. Người dân Thủ đô đang đặt câu hỏi, chính quyền sở tại có vô cảm trước mạng sống của người dân.
Ngôi nhà 177 đã bị nghiêng tới 65 cm/chiều cao công trình 15,5m, gây nguy hiểm cho nhiều hộ dân sống ở khu vực. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN |
Ngôi nhà nghiêng 177 trong dãy nhà cao tầng nằm sát nhau, gồm nhà số 177, 179, 181 và 183 ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Khu nhà từ 177 đến 183 được xây dựng cách đây gần 20 năm với móng nằm trên nền đất yếu nên xuất hiện hiện tượng lún và nghiêng diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Tính đến thời điểm hiện nay, ngôi nhà 177 đã bị nghiêng tới 65 cm, gây nguy hiểm cho nhiều hộ dân sống ở khu vực gần đó.
Theo ghi nhận tại hiện trường, ngày 12/8, UBND quận Đống Đa cùng các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát hiện trạng 2 căn nhà số 177 và 179, ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ Dừa. Bước đầu, lực lượng chức năng đã đục lớp trát tường, khoan, kiểm tra chất lượng bê tông, đo độ nghiêng, lún 2 ngôi nhà này. Cửa ngôi “nhà nghiêng” được bao quanh bởi dây phản quang và có gắn biển cảnh báo nguy hiểm đối với người dân khu vực.
UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết, để đảm bảo an toàn cho các gia đình sống trong các căn nhà liền kề nhà 177 là nhà số 179, 181 và 183, chính quyền địa phương đã gửi thông báo yêu cầu di dời đến các hộ này. Tính đến 16h ngày 11/8, đã có 3 trong số 4 căn hộ liền kề đồng ý di dời. Chính quyền phường đang tiếp tục vận động hộ gia đình sống tại ngôi nhà số 181 sớm di dời để đảm bảo an toàn.
Bà Phạm Thị Sen, chủ nhà 161 cho biết, ngôi nhà số 177 đã nghiêng về phía nhà bà khoảng 4 năm nay. Gia đình sống trong ngôi nhà 177 đã di dời từ lâu. Bà Sen đã nhiều lần gửi đơn lên phường, quận nhưng không nhận được phản hồi. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương mới tiến hành xem xét sự việc này sau khi xảy ra vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc, quận Ba Đình.
Ngôi nhà nghiêng 177 được căng dây, treo biển cảnh báo nguy hiểm. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN |
Bà Phạm Đỗ Thanh Thùy chia sẻ, từ những năm 2007 – 2008, gia đình bà đã nhận thấy ngôi nhà bắt đầu có dấu hiệu nghiêng. Đến năm 2010, tình trạng nghiêng của ngôi nhà ngày càng nghiêm trọng hơn, gia đình bà đã làm đơn kiến nghị tới UBND phường Ô Chợ Dừa. Sau đó, lãnh đạo phường cũng có triệu tập cuộc họp 4 gia đình gồm số nhà số 177, 179, 181, 183, nhưng do không có sự thống nhất phương án tháo dỡ của 4 hộ kể trên, nên người dân ở đây vẫn phải sống trong lo sợ từ ẩn họa của ngôi nhà 177.
Năm 2011, bà Thùy tiếp tục làm đơn gửi đến chính quyền UBND quận Đống Đa, đại diện các phòng ban ngành chức năng quận xuống kiểm tra và triệu tập cuộc họp với các hộ gia đình, nhưng cũng giống những lần trước do chưa tìm được tiếng nói chung của 4 gia đình kể trên. Do đó, gia đình nhà bà Thùy vẫn phải sống thấp thỏm trong căn nhà chờ sập. Không thể sống trong ngôi nhà nghiêng và nhiều vết rạn nứt, lộ rõ sự nguy hiểm, năm 2012, gia đình bà Thùy đã quyết định chuyển đi nơi khác thuê ở để an toàn hơn.
Sau liên tiếp xảy ra hai vụ sập nhà ở quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương ra soát những ngôi nhà cổ, ngôi nhà có nguy cơ sập đổ, phường Ô Chợ Dừa mới vào cuộc rốt ráo hơn. Nhưng cũng chưa có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, giải quyết mối hiểm họa từ căn nhà 177.
Theo một số chuyên gia xây dựng, khi phát hiện ngôi nhà nguy hiểm đến tính mạng của gia chủ cũng như những hộ dân xung quanh, chính quyền phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa hoàn toàn có thể dùng biện pháp mạnh hơn, yêu cầu các hộ dân di dời hoặc cưỡng chế phá bỏ.
Tuy nhiên ở đây, chính quyền phường, quận chưa vào cuộc quyết liệt, ngay cả việc đánh giá, thẩm định mức độ nguy hiểm cũng thực hiện chậm trễ. Song cũng rất may, sau những trận mưa lớn vừa xảy ra cuối tháng 7 vừa qua, ngôi nhà 177 không bị sập đổ. Trường hợp xảy ra sự cố sập ngôi nhà 177, không biết hậu quả sẽ như thế nào. Để rồi đến lúc đó, chính quyền phường, quận lại rút kinh nghiệm, kiểm điểm đổ lỗi trách nhiệm cho nhau.
Thành phố Hà Nội đang thực hiện chỉ đạo của Chính phù cải cách hành chính công, trên tinh thần liêm chính, gần dân, trọng dân, vì dân. Thế nhưng ở đâu đó của Thủ đô, một bộ phận chính quyền, cơ quan sở ngành vẫn còn tư tưởng “Hà Nội không vội được đâu”, làm ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của người dân với cơ quan quản lý nhà nước; đi ngược với mục tiêu tốt đẹp mà thành phố đang nỗ lực thực hiện.