Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý
kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn kiểm tra việc vi phạm pháp luật về đê điều ở Hà Nội và báo cáo Thủ
tướng Chính phủ trước ngày 25/8/2012.
Trước đó, ngày
3/8/2012, Thông tấn xã Việt Nam có tin, bài phản ánh việc vi phạm pháp luật về
đê điều ở Hà Nội qua bài “Bất an trước vi phạm về đê điều ở Hà Nội".
Bài báo phản ánh,
đi dọc đê Hữu sông Hồng mới thấy bàng hoàng trước cảnh 1 trong 4 hệ thống đê
điều của các tỉnh phía Bắc bị xâm hại nghiêm trọng bởi các vụ "xẻ
thịt" đê điều.
Gia cố tuyến đê hữu Hồng, xã Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Viết Tôn |
Tại tuyến đê trọng yếu có vai
trò ngăn lũ sông Hồng vào mùa mưa bão và là một trong những trục giao thông
quan trọng của Thủ đô, đoạn thì mặt đê bị băm nát bởi hàng trăm lượt xe tải lớn
chở vật liệu xây dựng ngày đêm quần thảo, đoạn thì lún sụt, ảnh hưởng nghiêm
trọng đến chân đê...
Xuôi theo tuyến Hữu Hồng qua
địa bàn Thường Tín, Phú Xuyên, tình trạng vi phạm, lấn chiếm làm ảnh hưởng đến
sự an toàn của đê điều cũng diễn ra nghiêm trọng.
Còn dọc hai bên bờ sông Hồng,
đoạn từ xã Thượng Cát (huyện Từ Liêm) đến xã Lĩnh Nam (huyện Thanh Trì) có tới
hàng chục bãi cát và điểm khai thác cát.
Tại những điểm khu vực thượng
và hạ lưu cầu Thăng Long, cầu Long Biên, khu vực xã Hải Bối (Đông Anh), phường
Bồ Đề (Gia Lâm), xã Lĩnh Nam (Thanh Trì) và trên địa bàn phường Bạch Đằng (quận
Hai Bà Trưng), ngoài việc hút cát từ dưới sông lên, các đơn vị, doanh nghiệp
khai thác cát còn tập kết cát, sỏi được vận chuyển từ nơi khác đến, tạo thành
những đống lớn, có đống tới hàng chục vạn m3, đè nặng lên thân đê, gây mất an
toàn cho đê.
TTXVN/Tin tức