Chia sẻ tâm tình đón Tết xa quê

Những ngày Tết Nguyên đán 2018, trong lúc người người hướng về quê hương, đoàn tụ sum họp cùng người thân, gia đình, vẫn có những người không có điều kiện về quê ăn Tết.

Hoa mận Mộc Châu. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Đó là những công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Họ đón Tết đơn sơ trong những căn phòng trọ nhỏ bé, chật chội và những niềm riêng.

Khu nhà trọ Lý Tưởng có hơn trăm phòng nằm bên dòng kênh nhuốm màu ô nhiễm của quá trình phát triển công nghiệp – đô thị ở huyện Đức Hòa (Long An). Ngày thường ở đây khá nhộn nhịp người ra, vào, trẻ em tung tăng chơi đùa... Đến ngày Tết, khu trọ trở nên vắng vẻ, chỉ còn lại lác đác vài bóng người.

Gia đình chị Nguyễn Thị Cúc là một trong những gia đình hiếm hoi còn ở lại trong khu nhà trọ này. Mâm cơm ngày Tết của gia đình chị Cúc có lẽ tươm tất hơn ngày thường, được bày trang trọng chính giữa căn phòng trọ nhỏ bé để đốt nén nhang cúng vọng ông bà, tổ tiên.

Chị Cúc tâm sự: “Hoàn cảnh khó khăn quá nên cả gia đình chọn ở lại chứ không về quê ăn Tết. Ngày Tết, chỉ mua 2kg nếp về gói mấy cái bánh tét cho có hương vị và soạn mâm cơm tươm tất hơn ngày thường để cúng vọng ông bà, tổ tiên khi không có điều kiện về quê”.

Người phụ nữ chưa đầy 45 tuổi này mang trên gương mặt những nét khắc khổ, làn da đen nhẻm. Quê nhà không có ruộng vườn, chị cùng chồng con từ huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, lên đây mưu sinh đã hơn 5 năm. Anh là lao động tự do, chị làm tạp vụ cho một công ty trong khu công nghiệp Hải Sơn, các con chị cũng phải bỏ học giữa chừng để theo cha mẹ… Hơn một năm qua, chồng chị ngã bệnh, đôi chân không còn hoạt động bình thường và đang dần teo lại. 

Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai chị Cúc và đứa con gái chưa đầy 17 tuổi. Khoản thu nhập 3,9 triệu đồng mỗi tháng của chị chỉ đủ để lo cho chồng đi bốc thuốc, châm cứu ở một cơ sở gần chỗ trọ chứ không đủ khả năng đến bệnh viện điều trị. Toàn bộ chi phí cho gia đình 4 người này từ tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, sinh hoạt… đều trông cậy vào khoản thu nhập khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng của cô con gái. Còn khoản nợ 17 triệu đồng do mấy đợt đưa chồng đi chữa bệnh chị chưa biết cách nào để trả. Chị Cúc tâm sự: Chạy chữa lúc nào hay lúc đó chứ không biết lúc nào anh mới khỏi bệnh, không biết lúc nào thoát ra khỏi hoàn cảnh này”.

Cũng trong khu trọ này, bà Út (quê Đồng Tháp) dù tuổi đã ngoài 70 nhưng vẫn phải theo con gái lên đây mưu sinh và nhiều năm rồi chưa về quê ăn Tết vì không còn nhà cửa để về. Con gái bà làm công nhân trong khu công nghiệp, một mình gồng gánh nuôi mẹ già và 3 con nên hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Bà Út cho biết, trước đây ở cùng với vợ chồng con gái dưới Đồng Tháp. Sau này hai vợ chồng ly dị, người con rể bán căn nhà đi nơi khác ở. Người con gái dắt ba người con lên Long An làm công nhân, bà cũng đi theo chứ tuổi già không biết nương tựa vào đâu. Lên đây ở mấy năm, Tết nào cũng buồn. Cả xóm trọ chỉ có một, hai phòng còn người ở lại thôi.

Mong muốn lớn nhất của người phụ nữ ở tuổi thất thập này là có một căn nhà nho nhỏ ở quê để khi Tết đến Xuân về có nơi trở về sum vầy với họ hàng, làng xóm trên mảnh đất quê hương.

Ngày Tết, đến các khu nhà trọ ở gần các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An, không khó để bắt gặp những hoàn cảnh như thế. Giữa khu trọ vắng lặng vẫn còn đó những người lao động vất vả quanh năm đang trông ngóng về quê hương. Tất bật mưu sinh suốt cả năm, nhưng Tết đến Xuân về, trong lòng vẫn còn chất chứa nhiều mối lo. Những con người này phần lớn xuất thân từ những miền quê nghèo, không ruộng vườn, đất đai. Vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp, đồng lương cũng chỉ đủ trang trải ăn ở, sinh hoạt, tiết kiệm lắm mới dư được một chút. Nhiều người trong số đó chọn giải pháp không về quê ăn Tết để dành khoản tiền tích góp được cả năm gửi về hỗ trợ gia đình.

Chị Trần Kim Phượng, quê ở Thái Bình, cho biết: “Tôi vào làm công nhân ở Long An hơn 5 năm rồi. Quê xa, tiền xe tàu đắt đỏ, nên nhiều khi muốn về lắm nhưng lại tiếc tiền. Ở lại dù có buồn một chút nhưng cũng dư được chút tiền gửi về cho người thân ở quê”.

Thông lệ hàng năm, đến dịp Tết, các cấp chính quyền, đoàn thể ở địa phương thực hiện nhiều hoạt động chăm lo Tết cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bằng các hình thức như thăm hỏi, tặng quà, vé xe, tổ chức các chương trình vui chơi…

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An cho biết: Dịp Tết năm nay, các cấp Công đoàn trong tỉnh Long An đã tích cực vận động các chủ doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ công nhân, lao động bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm tạo điều kiện cho công nhân, lao động được vui Xuân đón Tết an lành, hạnh phúc; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên, tổ chức phiên chợ bán hàng ưu đãi và chương trình “Tết sum vầy” cho công nhân, lao động…

Năm nay, Công đoàn đã vận động được gần 5,2 tỷ đồng để chăm lo Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các Công đoàn cơ sở còn vận động các nhà tài trợ, doanh nghiệp tặng hơn 10 nghìn phần quà, trị giá hơn 2 tỷ đồng cho công nhân, người lao động; trao tặng 158 vé tàu đưa công nhân, người lao động ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung về quê đón Tết.

Tuy nhiên, những cố gắng của các tổ chức đoàn thể cũng chỉ góp phần sẻ chia, động viên đối với những công nhân nghèo. Không ít những hoàn cảnh, những gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn nặng nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Và trong những ngày Tết này, ước mơ của họ thật giản dị, đơn sơ, được đón Tết sum vầy, ấm cúng, trọn vẹn bên gia đình trên mảnh đất quê hương.

Bùi Giang (TTXVN)
'Tết nghĩa là hy vọng' giúp cô gái Nga đưa cha lại về quê hương Việt Nam
'Tết nghĩa là hy vọng' giúp cô gái Nga đưa cha lại về quê hương Việt Nam

Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, hình ảnh đôi mắt người cha đau đáu hướng về nơi mà ông vẫn gọi là "quê hương" đã trở thành một ký ức rất sâu đậm với cô bé Olga 9 tuổi – con gái lớn của ông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN