Chia sẻ các giải pháp đảm bảo tài chính, an sinh cho người lao động

“Tương lai nào cho người lao động - nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội?” là chủ đề Hội thảo trực tiếp và trực tuyến do Báo Tiền Phong tổ chức vào sáng 10/6 với hai điểm cầu chính ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh.

Đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo bộ, ngành cùng cơ quan chức năng, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương trao đổi, chia sẻ giải pháp đảm bảo tài chính, an sinh cho người lao động hiện tại cũng như trong tương lai, nhất là khi tuổi lao động ngày càng lớn.

Theo Nhà báo Vũ Tiến, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong, hiện nay, nhiều lao động, đặc biệt ở khu vực đô thị và khu vực công nghiệp tập trung đang gặp khó khăn, nhất là sau đại dịch COVID-19. Không chỉ ở hiện tại, những khó khăn còn được dự báo kéo dài trong tương lai và chưa biết khi nào kết thúc. Trong đó, an toàn tài chính và an sinh xã hội cho người lao động là vấn đề cấp thiết, nhất là trong bối cảnh đời sống có nhiều biến động, rủi ro về việc làm, thu nhập, sức khỏe… cũng như tình trạng già hóa dân số ngày càng gia tăng. Những vấn đề đó thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn thể xã hội, được báo Tiền Phong phản ánh đậm nét trong nhiều số báo trước đây.

Về tình hình lao động, việc làm của công nhân tại nhà máy, xí nghiệp, Tiến sỹ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhìn nhận khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2021. Số người có việc làm và tham gia bảo hiểm xã hội tăng nhẹ. Cả nước có khoảng 50 triệu lao động, sự dịch chuyển lao động có tính tích cực, lao động trong khu vực dịch vụ tăng 39%, công nghiệp và xây dựng tăng 34%. Tình trạng thiếu việc làm giảm so với thời gian trước. Thu nhập của người lao động có tăng so với trước đây nhưng không đáng kể với mức bình quân khoảng 6,4 triệu đồng/tháng. Con số này khá thấp, nhất là với người lao động ở các tỉnh, thành phố lớn.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội thảo. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư khiến hoạt động của doanh nghiệp bị ngừng trệ, người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thu nhập, tiền lương và đời sống.

Chia sẻ khó khăn với người lao động, ngoài thực hiện chính sách, gói hỗ trợ, các cấp Công đoàn thành phố đã chăm lo cho trên 1,4 triệu đoàn viên, người lao động cùng con em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 với kinh phí hơn 185 tỷ đồng.

Về lâu dài, Liên đoàn Lao động thành phố kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Hội đồng tiền lương Quốc gia từ ngày 1/7/2022; đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng có nghiên cứu, đánh giá mức sống tối thiểu đảm bảo sự phát triển toàn diện... Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường quản lý giá mặt hàng thiết yếu, tránh đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tăng giá, trục lợi. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất bổ sung chế độ dành cho trẻ em là con của người tham gia bảo hiểm xã hội để thu hút người lao động tham gia, đảm bảo an sinh khi hết tuổi lao động.

Ông Nguyễn Thành Đô đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Công Thương cùng các Tổng công ty bán lẻ lớn tổ chức định kỳ, luân phiên điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ công nhân lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu nhà trọ đông công nhân lao động.

Chú thích ảnh
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tây, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phía Nam phát biểu tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu tác động tiêu cực của dịch bệnh; đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp với các cấp, ngành, cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Các đại biểu đề xuất những việc làm trước mắt và lâu dài, hướng đi thích hợp, hiệu quả để hỗ trợ người lao động đảm bảo an toàn tài chính, an sinh xã hội giúp họ an tâm lao động trong hiện tại cũng như tương lai…

Thanh Vũ (TTXVN)
BHXH Việt Nam đã giảm đóng, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trên 45.444 tỷ đồng
BHXH Việt Nam đã giảm đóng, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trên 45.444 tỷ đồng

Hơn 2 năm qua, nền kinh tế - xã hội, tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống nhân dân chịu tác động và ảnh hưởng sâu sắc bởi dịch COVID-19. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai giảm đóng vào các quỹ BHXH và chi hỗ trợ từ nguồn quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí trên 45.444 tỷ đồng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN