Chăm lo an sinh xã hội, thích ứng an toàn dịch COVID-19 - Bài cuối: Chia sẻ khó khăn vượt qua đại dịch

Tỉnh Vĩnh Long hiện có gần 3.500 hộ nghèo, gần 10.500 hộ cận nghèo và gần 50.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Sau thời gian chịu tác động của dịch bệnh, người dân gặp nhiều khó khăn, không có thu nhập... Chính vì thế, việc đảm bảo an sinh, nhất là đối với nhóm yếu thế là việc cấp bách được tỉnh quan tâm, tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện.

Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, song song với triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, chia sẻ khó khăn với người dân để cùng chung tay vượt qua đại dịch.

Tiếp sức cho người nghèo

Chú thích ảnh
 Trao túi an sinh của Tỉnh đoàn Vĩnh Long cho người dân xã Long Phước, huyện Long Hồ. Ảnh: TTXVN phát

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long. Nhiều người lao động bị mất việc làm, mất hoặc giảm thu nhập, nhiều gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn. Đặc biệt, với các hộ nghèo, cận nghèo và người neo đơn, cuộc sống càng trở nên vất vả.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, tỉnh đã có quyết định chi hỗ trợ 7.892 người bán vé số, 31.192 đối tượng lao động tự do và một số đối tượng khác theo quy định với tổng số tiền hơn 155 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh trích kinh phí hỗ trợ gần 14.000 nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do dịch COVID-19 với số tiền trên 5,5 tỷ đồng, tiếp nhận và phân bổ hơn 2.100 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn 73.500 người có hoàn cảnh khó khăn cư trú trên địa bàn. Các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời như một sự chia sẻ với những người yêu thế, giúp họ nhẹ gánh lo hơn trong những ngày dịch bệnh còn phức tạp.

Song song việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân bằng trách nhiệm và sự sẻ chia đã lan tỏa những hành động đẹp vì cộng đồng góp phần động viên và chia sẻ người dân.

Thấu hiểu được sự khó khăn của người dân, Tỉnh Đoàn Vĩnh Long đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tích cực triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho đời sống người dân, nhất là những người nghèo, người dân ở khu cách ly, phong tỏa… Thông qua các mô hình, chương trình hoạt động, các cấp bộ Đoàn đã trao hơn 200.000 phần quà, nhu yếu phẩm cho người dân. Đặc biệt, hưởng ứng chương trình “Triệu túi an sinh” do Trung ương Đoàn phát động, Tỉnh Đoàn cùng Đoàn cơ sở đã tích cực vận động các doanh nghiệp hỗ trợ trên 7.500 túi quà an sinh với giá trị phúc lợi xã hội hơn 3 tỷ đồng để tặng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Theo bà Huỳnh Thị Thu ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, gia đình có hai vợ chồng, nhưng cả hai đều bị bệnh nên không có thu nhập gì, cuộc sống chủ yếu nhờ vào các con. Do dịch bệnh, các con cũng khó khăn, không thể lo nổi. Nhờ có túi quà an sinh và số tiền hỗ trợ, bà rất mừng. Sự quan tâm kịp thời này chính là động lực để gia đình bà bớt đi khó khăn, yên tâm ở nhà thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long Nguyễn Huỳnh Thu cho biết, trên tinh thần “ai có gì góp nấy”, các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực xã hội, vận động gạo, mì gói, rau, củ, quả và nhu yếu phẩm thiết yếu để kịp thời san sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ, cùng động viên, chia sẻ khó khăn với người dân.

Với quyết tâm không để ai bị thiếu đói, không để ai bị bỏ lại phía sau do dịch COVID-19, trong những ngày đầu tháng 10, huyện đã vận động và triển khai trao túi quà an sinh gồm gạo và nhiều nhu yếu phẩm trị giá hơn 1,3 tỷ đồng cho 1.200 hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn thuộc 12 xã, thị trấn trên địa bàn.

Được nhận 100 kg gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm, chị Huỳnh Ngọc Duyên (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít) vui mừng vì gia đình có thể nhẹ lo trong thời gian tới. Còn với bà Nguyễn Thị Nhung (xã Chánh An, huyện Mang Thít), phần quà đã đến kịp thời giúp bà vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Bà Nhung chia sẻ: “Hôm nay được hỗ trợ, tôi mừng lắm. Chính quyền và bà con ở đây tới lui hỗ trợ thường xuyên nên cũng đỡ khó khăn”.

"Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Chú thích ảnh
 Các đơn vị tài trợ thăm và trao tiền hỗ trợ cho hai trẻ em có mẹ mất do COVID-19 tại xã Phước Hậu, huyện Long Hồ. Ảnh: TTXVN phát

Dịch bệnh đã làm cho những trường hợp vốn đã khó khăn nay càng chật vật hơn. Xác định người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, bên cạnh việc tập trung kiểm soát dịch để khôi phục và phát triển kinh tế, các địa phương tích cực triển khai các vấn đề an sinh xã hội. Những hoạt động đầy ý nghĩa tiếp sức người nghèo đã góp phần thắp lên niềm tin, sức mạnh của cộng đồng để cùng chung sức vượt qua khó khăn trong đại dịch..

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 2, thành phố Vĩnh Long Bùi Thanh Tuấn cho biết, tình hình dịch bệnh gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống người dân. Chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội và các nhà hảo tâm đã triển khai nhanh các gói hỗ trợ đến người dân, vận động tiền, gạo và nhu yếu phẩm hỗ trợ kịp thời và đúng đối tượng. Các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời đã phần nào giúp người dân giảm bớt khó khăn, an tâm và tin tưởng hơn vào chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bà Lê Thị Ánh Thu (ngụ Phường 2) là lao động chính trong gia đình. Hàng ngày, bà bán vé số để nuôi một người em bị bệnh tâm thần phân liệt và một người em bị tai biến. Trong thời gian giãn cách, bà đã được địa phương hỗ trợ tiền cho người bán vé số tạm nghỉ bán, thường xuyên hỗ trợ gạo, rau củ, nhu yếu phẩm đề trang trải cuộc sống. Bà Lê Thị Ánh Thu chia sẻ: “Qua xem thông tin, tôi nắm được về tình hình dịch bệnh. Còn nhiều người khó khăn, khi được địa phương hỗ trợ, tôi rất cảm động. Giờ tôi mong cho dịch bệnh sớm qua để tái lập lại cuộc sống như lúc trước”.

Theo Bí thư Huyện ủy Mang Thít Nguyễn Thị Minh Trang, trước tác động của dịch COVID-19, huyện có rất nhiều hộ gia đình gặp khó khăn. Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, huyện đã huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ tiền, gạo và quà cho người dân với giá trị hơn 20 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện yêu cầu lãnh đạo cấp ủy cơ sở, ban chỉ đạo phòng, chống dịch cơ sở luôn phải chủ động nguồn lực về gạo và nhu yếu phẩm dự trữ tại địa phương để hỗ trợ kịp thời khi người dân gặp sự cố, không để cho người dân có những khó khăn, thiếu, đói.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đã tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, không có đủ khả năng để bảo đảm mức sống tối thiểu cho gia đình. Trong thời điểm khó khăn, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đã chung tay phát huy các nguồn lực xã hội để hỗ trợ người nghèo, lao động gặp khó khăn.

Với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thời gian tới, cùng với triển khai công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất, tỉnh tích cực hỗ trợ, ổn định đời sống người dân. Tỉnh chỉ đạo các ngành khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ của Chính phủ, rà soát đầy đủ theo đúng quy định, đảm bảo không để sót đối tượng. Tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội, huy động các nguồn lực để chăm lo cho người dân, nhân rộng và lan toả các chương trình, phong trào thực hiện an sinh xã hội; đồng thời chia sẻ với khó khăn của người dân Vĩnh Long trong dòng người di cư về quê, tỉnh huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt này, nỗ lực "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong đại dịch.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long cho biết, dự báo trong thời gian tới, các tác động của dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến mọi mặt của đời sống, đối tượng yếu thế sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, địa phương phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục vận động, nắm bắt tình hình trong nhân dân và chủ động đề ra các biện pháp giải quyết nhanh, kịp thời những khó khăn của nhân dân. Qua đó, địa phương sẽ tăng cường phối hợp tổ chức các chương trình chăm lo, hỗ trợ sát với từng đối tượng, đặc biệt là công nhân, lao động tại các khu công nghiệp bị mất việc, lao động tự do, người già, tàn tật, neo đơn… nhằm đảm bảo các chính sách hỗ trợ kịp thời và đúng đối tượng.

Thông qua các hoạt động an sinh xã hội nhằm ổn định đời sống, tạo sự yên tâm, tin tưởng, thúc đẩy mỗi người dân nâng cao ý thức về phòng, chống dịch, từ đó tích cực phối hợp với địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Chăm lo an sinh xã hội, thích ứng an toàn dịch COVID-19 - Bài 1: Nghĩa tình trong mùa dịch
Chăm lo an sinh xã hội, thích ứng an toàn dịch COVID-19 - Bài 1: Nghĩa tình trong mùa dịch

Dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài đã làm cho cuộc sống của những người nghèo, đối tượng yếu thế vốn đã khó khăn nay càng chật vật hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN