Cảnh giác với nguy cơ cháy nổ: Hãy nâng cao ý thức sử dụng điện

Thời gian gần đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nguy cơ rất cao xảy ra các sự cố cháy, nổ.

Thực tế cũng đã có nhiều vụ cháy, gây thiệt hại lớn về tài sản và người đã xảy ra. Qua đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền để người dân cảnh giác, nâng cao ý thức phòng cháy, nhất là ý thức sử dụng điện an toàn.

Nguy cơ rất cao

Dễ bùng phát – khó dập tắt – gây thiệt hại lớn về người và tài sản là những điều dễ thấy ở các vụ cháy vào thời điểm mùa khô. Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07) – Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý I/2021, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý 112 vụ việc liên quan đến cháy nổ, gây thiệt hại lớn về người. Thiệt hại tài sản ước tính khoảng 3,6 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Ngày 30/3/2021, một vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra tại căn nhà có địa chỉ 899 Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) khiến 6 người trong một gia đình thiệt mạng. Ảnh: TTXVN

Điển hình là vụ cháy tại đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức vào rạng sáng 30/3, làm 6 người tử vong và 1 người bị thương. Thời điểm xảy ra cháy, người dân xung quanh hô hoán tìm cách dập lửa; các nạn nhân mắc kẹt bên trong nhà tìm mọi cách thoát thân nhưng do cháy quá lớn và tại cửa chính lại để 5 chiếc xe máy chắn lối thoát hiểm nên lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy dù đã điều động nhiều phương tiện, nhân lực đến hiện trường nỗ lực dập lửa, cứu người, song chỉ cứu được 1 nạn nhân, 6 nạn nhân còn lại đã tử vong do ngạt khói từ trước đó.

Trong giai đoạn cao điểm của mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng thiết bị điện của người dân Thành phố Hồ Chí Minh gia tăng. Theo Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC), lượng điện bình quân ngày của cả tháng 3/2021 đạt 77,3 triệu kWh/ngày, tăng 1,97% so với sản lượng điện bình quân ngày của tháng 3/2020 là 75,8 triệu kWh/ngày và cao hơn ngày bình quân tiêu thụ của tháng 2/2021 là 56,8 triệu kWh/ngày. Dự báo sản lượng điện bình quân ngày của tháng 4,5,6/2021 tiếp tục tăng cao, đạt từ 79,7 - 81,5 triệu kWh/ngày, tăng so với cùng kỳ (tiêu thụ bình quân ngày của năm 2020 chỉ nằm ở mức 73,14 triệu kWh/ngày). Trong đó, thành phần sinh hoạt hộ gia đình tiêu thụ tháng 4 so với tháng 3 sẽ tiếp tục duy trì mức tăng cao như mọi năm: 2018 tăng 23%, 2019 tăng 30,69%, năm 2020 tăng 13,52%.

Nhu cầu sử dụng điện tăng dẫn đến làm tăng nguy cơ quá tải, chập mạch. Bên cạnh đó, nhiều người lại không thực hiện đúng các điều kiện về đảm bảo an toàn cháy nổ, chỉ cần một bất cẩn nhỏ cũng có thể dẫn đến hỏa hoạn. Trong quý I/2021 có 26 vụ cháy được xác định nguyên nhân là do sự cố về hệ thống, thiết bị điện.

Nâng cao ý thức sử dụng điện

Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để hạn chế những sự cố cháy nổ do điện chính là người dân phải tự nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ, nhất là trong quá trình sử dụng điện tại gia đình. Vấn đề tuyên truyền an toàn sử dụng điện đối với cá nhân, hộ gia đình luôn là nội dung được ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên hàng đầu.

Hình thức tuyên truyền được đổi mới, không chỉ trên các phương tiện truyền thông mà lực lượng chức năng còn trực tiếp tới các hộ dân để tuyên truyền.

Một trong những giải pháp đang được Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh triển khai là khảo sát đánh giá tình trạng sử dụng điện trong các nhà ở hộ gia đình thuộc các khu vực dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; nhà ở liền kề chợ; các chung cư cũ… Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu khảo sát, tư vấn sử dụng điện an toàn trong các nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, chỉ tiêu ít nhất 72.000 hộ trong năm 2021.

Ngày 8/4, phóng viên đã cùng nhân viên Công ty Điện lực Gia Định (Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh) đi khảo sát tình trạng sử dụng điện trong các nhà ở hộ gia đình ở Phường 4, quận Phú Nhuận. Tại một căn hộ vừa ở vừa kết hợp kinh doanh quán cà phê, nhân viên ngành điện đã chỉ ra nhiều nguy cơ trong hệ thống điện của gia đình này như một số mối nối, dây điện bị hở; nguồn nhiệt đun nấu để gần hệ thống điện. Các nhân viên Công ty Điện lực Gia Định đã nhắc nhở gia chủ sớm khắc phục.

Anh Lê Hữu Trí, người dân sống tại đây cho biết: Nhờ Công ty điện tư vấn cho người dân biết cách sử dụng điện để phòng, chống cháy nhà cửa do thiết bị điện hư hỏng, anh đã thay dây với ổ táp lô mới cho an toàn.

Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, hiện ngành điện đã khảo sát được gần 8.000 hộ. Bên cạnh đó, Tổng Công ty còn khảo sát, sửa chữa lại hệ thống điện trong gia đình cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố, với số lượng khoảng 500 - 700 hộ mỗi năm.

Chú thích ảnh
Công nhân EVN HCMC lắp đặt bộ hòa lưới (Inverter) điện của pin năng lượng mặt trời với điện lưới điện quốc gia. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Để sử dụng điện an toàn, tiết kiệm tại mỗi gia đình, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh khuyến nghị, cầu dao, cầu chì phải phù hợp với công suất sử dụng tối đa ở trong nhà. Khi lắp đặt các thiết bị mới phải chọn dây dẫn điện có vỏ bọc cách điện, có tiết diện đủ lớn để tránh quá tải gây chạm chập, phát hỏa trong nhà. Phải lắp cầu dao, áp tô mát hoặc thiết bị ngắt nhanh ở phía sau điện kế, ở đầu đường dây điện chính trong nhà, đầu mỗi nhánh dây phụ và lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện để ngắt nhanh dòng điện khi có chạm chập hoặc quá tải, ngăn ngừa phát hỏa do điện.

Thời gian này, Công an các quận, huyện cũng tổ chức nhiều tổ công tác tới từng nhà dân trên địa bàn để tuyên truyền trực tiếp. Tại Quận 10, Công an quận đã mở đợt tuyên truyền kết hợp kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy đối với hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ nay đến ngày 23/4. Lực lượng chức năng trực tiếp đến các hộ gia đình và các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý, tiến hành kiểm tra thực tế những điều kiện liên quan đến phòng, chống cháy, nổ như: Khu vực đun nấu; nơi thờ cúng; lắp đặt sử dụng điện; sắp xếp hàng hóa; bố trí hành lang, lối thoát nạn... qua đó kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở người dân khắc phục ngay những vi phạm, thiếu sót có thể trở thành nguy cơ gây cháy, nổ.

Thoát hiểm khi có sự cố

Song song với tuyên truyền mạnh những giải pháp phòng, chống sự cố cháy nổ, liên tục trong thời gian này, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân lưu ý về phương pháp thoát hiểm khi sự cố cháy xảy ra. Điểm chung của các vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng về người thời gian qua là nạn nhân không thể thoát hiểm khi có sự cố. Ví dụ như trong vụ cháy căn nhà ở thành phố Thủ Đức, gia đình đã để vật dụng (5 xe máy) chắn lối thoát nạn, dẫn đến khi xảy ra cháy không thể thoát thân.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khuyến cáo chủ hộ và các thành viên trong gia đình cần thực hiện các biện pháp sau: Bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính hoặc cửa phụ. Nếu đám cháy chưa phát triển lớn, tiến hành ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay từ ban đầu, đồng thời gọi ngay cho lực lượng chức năng theo số điện thoại 114 hoặc qua ứng dụng Help 114 trên điện thoại.

Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn. Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: Qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây… hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp…; tuyệt đối không núp trong phòng, dưới gầm giường, nhà vệ sinh…

Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể. Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát ra ngoài theo lối cầu thang bộ ra cửa chính, nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính chèn và gián vào khe cửa để khói, khí độc không lan được vào phòng đang ở, di chuyển ra ban công, gọi to, ra hiệu, sử dụng những vật dụng để báo động cho những người xung quanh được biết.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an Thành phố cũng đặc biệt lưu ý, cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi chìa khóa dễ lấy, dễ thấy. Các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa, vẫn đảm bảo chống trộm. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng; trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra phù hợp với nơi ở của mình, không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn. Người dân hãy trang bị những phương tiện, dụng cụ cần thiết thoát nạn, có dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn nếu không có.

Thành Chung (TTXVN)
Lưu ý khách hàng sử dụng điện hiệu quả trong mùa nắng nóng
Lưu ý khách hàng sử dụng điện hiệu quả trong mùa nắng nóng

Để khách hàng sử dụng điện sao cho hiệu quả nhất, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho hay, người dân nên chủ động và có động thái tích cực trong tiêu dùng điện, nhất là vào các tháng bắt đầu nắng nóng như hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN