Tuy nhiên, dự báo nguồn nước cho sản xuất vụ lúa này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, theo các kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng El Nino của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới cho thấy xu hướng tăng của nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4. Theo đó, hiện tượng ENSO dự báo nhiều khả năng tiếp tục duy trì trạng thái trung gian đến hết tháng 10 và từ tháng 11 đến những tháng đầu năm 2019 sẽ chuyển sang trạng thái El Nino với xác suất trong khoảng 60 - 70%.
Thời kỳ kết thúc mùa mưa ở khu vực Nam bộ có khả năng sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Do vậy, khả năng ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn đến sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019 là rất cao tại một số tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.
Diện tích kế hoạch lúa Đông Xuân 2018 - 2019 tại các tỉnh ven biển gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang khoảng 958.000 ha, chiếm 62% diện tích lúa xuống gieo sạ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, cảnh báo diện tích có khả năng bị hạn và xâm nhập mặn khoảng 100.000 ha nếu tình hình khô hạn xảy ra.
Địa bàn ảnh hưởng mặn gồm các huyện: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thạnh Hóa, thành phố Tân An (Long An); Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông, thị xã Gò Công (Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh); Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Ngã Năm (Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long (Bạc Liêu); Vĩnh Thuận, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành (Kiên Giang); Long Mỹ, Vị Thủy, Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang).
Để sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019 ở Đồng bằng sông Cửu Long an toàn, bền vững và hiệu quả, Cục Trồng trọt khuyến cáo các tỉnh trong vùng tùy vào tình hình thực tế của địa phương về nguồn nước, lượng nước ngọt tưới tiêu để xây dựng lịch thời vụ gieo sạ thích hợp trong khoảng thời gian từ 10/10/2018 đến 10/01/2019, nhất là đối với các tỉnh khu vực ven biển.
Cơ cấu giống lúa cho từng tiểu vùng sinh thái để lúa sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Cụ thể là vùng Tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên và vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu ưu tiên sử dụng các giống lúa có khả năng thâm canh cao, chất lượng khá - tốt như: OM 4900, OM 7347, OM 6976, OM 4218, OM 5451, Đài thơm 8, Jasmine 85…
Vùng ven biển sử dụng các giống lúa cực ngắn ngày, khả năng chống chịu, đề kháng tốt trong điều kiện hạn, mặn kết hợp bố trí thời vụ thích hợp để né mặn đỉnh cao giai đoạn trỗ bông.
Cùng với đó, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung rà soát, nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống thủy lợi điều tiết nước… để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ, giữ nước ngọt trên hệ thống kênh rạch nội đồng, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sản xuất.
Các địa phương cũng khuyến cáo, hướng dẫn nông dân tuân thủ lịch thời vụ chọn giống thích hợp, xuống giống đồng loạt trên từng cánh đồng lớn, tiểu vùng và từng vùng; sử dụng các giống lúa chống chịu được hạn, mặn, chua phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và khô hạn vào cuối vụ.
Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước; đồng thời xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản có khả năng xảy ra để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế địa phương.