Tổ chức Khí tượng thế giới khẳng định, thời tiết, khí hậu và vòng tuần hoàn của nước không phân biệt ranh giới giữa quốc gia hay chế độ chính trị, thúc đẩy cộng đồng khí tượng thủy văn trên thế giới hợp tác tiếp tục phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, dự báo thời gian tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp, do vậy, những thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước (thông tin khí tượng thủy văn) đóng vai trò quan trọng để chủ động ứng phó, phòng ngừa, giảm thiệt hại thiên tai, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Thông tin “đầu vào” quan trọng
Tiến sỹ Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thông tin khí tượng thủy văn là “đầu vào” quan trọng đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn có ảnh hưởng tới 11/17 mục tiêu phát triển bền vững và giữ vai trò tối quan trọng ở cả 3 giai đoạn hoạt động là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trong mọi thời kỳ, các thông tin khí tượng thủy văn luôn được coi là một trong các yếu tố “thiên thời”, mang tính chất quyết định, góp phần vào các thắng lợi quân sự quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm dự báo không chỉ dừng lại ở những con số nhiệt độ, lượng mưa trung bình mà còn có thể cung cấp số giờ nắng, độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa chi tiết theo từng thời kỳ mùa vụ. Xa hơn là các dự báo, cảnh báo về sâu bệnh, dự báo năng suất cây trồng theo các điều kiện thời tiết.
Đợt hạn hán xâm nhập mặn năm 2020 khốc liệt hơn năm 2016, nhưng đã được ngành Khí tượng thủy văn theo dõi, ban hành các thông tin, bản tin dự báo, cảnh báo chính xác và sớm nhất, việc này đã giúp Chính phủ và các địa phương điều chỉnh và chỉ đạo sản xuất kịp thời, giảm thiệt hại chỉ còn 10% so với đợt hạn hán xâm nhập mặn năm 2016. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, năm 2022, công tác dự báo tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Đối với lĩnh vực thủy điện, ngành Khí tượng thủy văn đang thực hiện các bản tin dự báo phục vụ Quy trình vận hành hồ chứa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có thể thực hiện tốt các bản tin dự báo nguồn nước đến các hồ phục vụ điều hành sản xuất điện.
Trung bình hằng năm, các đơn vị thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo quốc gia ở trung ương và địa phương đã cung cấp gần 60 nghìn bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các cơ quan ở Trung ương, địa phương, phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Là địa bàn thường xuyên hứng chịu các loại hình thiên tai, ông Hứa Hồng Sim, người dân thành phố Vinh, Nghệ An cho rằng, các thông tin về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn được cung cấp kịp thời giúp người dân chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm. Từ đó biết cách phòng, chống thiên tai cho mình và gia đình, bảo vệ tính mạng, tài sản, góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai.
Ông Đoàn Minh Nhanh, ngư dân Đà Nẵng chia sẻ, những thông tin về khí tượng thủy văn, đặc biệt là hải văn được cảnh báo sớm đã rất hữu ích đối với ngư dân, giúp ngư dân rất nhiều trong những quyết định, kế hoạch ra khơi bảo đảm an toàn.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo
Hiện nay, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp, đòi hỏi phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, thông tin về dự báo bất kỳ vấn đề gì cũng đều có những khó khăn, thách thức riêng. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, ngành Khí tượng thủy văn có nhiều công cụ hỗ trợ như các ảnh mây vệ tinh, ảnh radar và những mô hình dự báo thời tiết từ hạn cực ngắn đến dự báo từng ngày và cả những mô hình dự báo khí hậu nên dự báo, cảnh báo khí tượng ngày càng sát với thực tế, hiệu quả đối với đất nước.
Các thông tin về dự báo không chỉ đơn thuần thông báo các chỉ số thời tiết, mà dần dịch chuyển sang dự báo tác động - đưa ra cảnh báo về những ảnh hưởng của hình thái thời tiết cụ thể trong thời gian cụ thể, điều này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.
Ngành Khí tượng thủy văn đang cố gắng xây dựng các giải pháp để tăng cường dự báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, dự báo các rủi ro, tác động của thiên tai đến từng đối tượng chịu tổn thương; tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo như địa nhiệt, sóng, gió và năng lượng mặt trời, các nguồn vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống không thân thiện với môi trường và khí hậu.
Ngành đã và đang phát triển các mô hình, phương pháp mới cả trong quan trắc và dự báo, cảnh báo, đồng thời tích cực phối hợp với các trường, viện nghiên cứu để tăng cường xây dựng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác khí tượng thủy văn.
Song song với đầu tư hiện đại hóa hệ thống quan trắc là nâng cao chất lượng dự báo bằng công nghệ hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển ngành Khí tượng thủy văn của Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai.
Thông tin cảnh báo khí tượng thủy văn phải thực sự được dùng hiệu quả cho các hành động sớm, đúng lúc nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Để làm tốt hơn nữa công tác thông tin, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hải văn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, ngành Khí tượng thủy văn tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ, sát diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn, đặc biệt là các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, thông tin kịp thời, chính xác đến Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương và người dân phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra.
Ngành thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong và ngoài bộ, tổ chức tham vấn các chuyên gia đầu ngành để đưa ra những cảnh báo, dự báo sớm nhất, chính xác nhất phục vụ cộng đồng; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, khoa học hơn và toàn diện về phân vùng rủi ro thiên tai phù hợp với thực tiễn; các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tiếp tục thực hiện dựa trên tác động để người dân, cộng đồng xã hội nắm bắt kịp thời, dễ hiểu, dễ ứng dụng trong công tác chủ động phòng, chống thiên tai của nhân dân.
Theo Thứ trưởng, ngành cần khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực khí tượng thủy văn, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới “Công nghệ 4.0”: Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, các công nghệ khai thác dữ liệu lớn (BigData)... Quá trình hiện đại hóa hệ thống thông tin chuyên ngành; thu thập và khai thác thông tin từ vệ tinh cần đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu theo dõi từ xa các diễn biến thời tiết trên phạm vi rộng và dự báo thời tiết, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa…; hoàn thiện trang bị mạng lưới ra đa thời tiết để theo dõi, dự báo các hệ thống thời tiết có quy mô nhỏ như: tố, lốc, vòi rồng, mưa đá…
Bên cạnh đó, ngành tăng cường công tác phối hợp với cơ quan, bộ, ngành để chủ động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động trong phòng, chống thiên tai nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan; trong đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông khí tượng thủy văn với các bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương và cộng đồng để chủ động nắm bắt kịp thời các bản tin, thông tin dự báo, cảnh báo.