Ngày 11/1, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn và Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và môi trường) tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, phương hướng triển khai công tác năm 2023 của ngành khí tượng Thủy văn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cho biết, năm 2022 xuất hiện những khó khăn và thách thức mới nhưng ngành KTTV tiếp tục biến những bất lợi thành thời cơ. Các hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo được nâng cao, cung cấp thông tin về thời tiết, thủy văn môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an toàn, sức khoẻ cộng đồng.
Đồng thời, ngành đã luôn nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, thực thi nhiệm vụ, thể chế, chính sách, pháp luật về KTTV tiếp tục được hoàn thiện ở tầm chiến lược quốc gia. Song song với đó, ngành đã tích cực triển khai xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngành khí tượng thuỷ văn đã làm tốt công tác dự báo KTTV thực hiện dự báo thời tiết, thuỷ văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo KTTV, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đã theo dõi và dự báo kịp thời 7 cơn bão và 2 cơn áp thấp nhiệt đới; 15 đợt không khí lạnh; 25 đợt mưa lớn diện rộng; 12 đợt nắng nóng. Đặc biệt đã khẳng định trình độ, sự dũng cảm trong việc nhận định và dự báo về cơn siêu bão Noru (bão số 4)...
“Hiện nay, biến đổi khí hậu có diễn biến khó lường, các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn cực đoan có xu hướng ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất lặp lại. Vấn đề lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi; khoảng trống số liệu KTTV ở Biển Đông, đặc biệt ở khu vực vùng biển và ven biển Tây Nam của đất nước, cùng các yêu cầu về hợp tác quốc tế, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ 4.0 đã và đang đặt ra thách thức đối với công tác KTTV trong giai đoạn tới’, ông Trần Hồng Thái thẳng thắn nhìn nhận.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị, năm 2023, ngành KTTV cần tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ, sát diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn, đặc biệt là các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra.
Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong và ngoài bộ, tổ chức tham vấn các chuyên gia đầu ngành để đưa ra những cảnh báo, dự báo sớm nhất, chính xác nhất phục vụ cộng đồng. Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, khoa học hơn và toàn diện về phân vùng rủi ro thiên tai phù hợp với thực tiễn; các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tiếp tục thực hiện dựa trên tác động để người dân, cộng đồng xã hội nắm bắt kịp thời, dễ hiểu, dễ ứng dụng trong công tác chủ động phòng chống thiên tai của nhân dân.
Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực KTTV. Sớm hoàn thành Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng yêu cầu chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Rà soát mạng lưới, hệ thống thông tin, dữ liệu để bảo đảm hoạt động thông suốt của toàn Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ cho mùa mưa bão năm 2023.