Các bến xe tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có rất đông hành khách đến đặt mua vé. Việc đặt vé tàu, vé máy bay còn khó khăn hơn.
Khan vé và giá tăng
Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội Nguyễn Tùng Anh cho biết, lượng khách tại các bến xe sẽ có biến động lớn. Các tuyến cố định sẽ có lượng hành khách tăng gấp 2-3 lần ngày thường là: Hà Nội đi Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Sơn La, Điện Biên… Song, do đặc thù di chuyển, lượng khách sẽ dồn cục bộ, cao điểm vào ngày 29 - 30/4. Tương tự, cuối kỳ nghỉ, lượng khách sẽ tập trung cao trong chiều 3 và ngày 4 - 5/5.
Đối với vận tải đường sắt, Trưởng ga Hà Nội Vũ Đình Rậu cũng nhận định: Lượng khách tại ga Hà Nội trong ngày 29, 30-4 và 4-5 khả năng lên đến hai vạn lượt mỗi ngày.
Các nhà xe thường xuyên đón, trả khách trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).Ảnh: Anh Đức |
Hiện nay, vé giường nằm và ghế mềm trên hầu hết các chuyến tàu đã không còn, vé ghế cứng và ghế phụ còn rất ít. Tình trạng khan hiếm vé còn xảy ra cả với ngành hàng không. Chị Thanh Thủy tại Hà Nội cho biết: "Do bận công việc nên tuần này mình mới quyết định đặt vé máy bay đi Nha Trang để cho gia đình đi nghỉ lễ. Tuy nhiên, vé đi tuyến này của tất cả các hãng đã hết. Kể cả chấp nhận mua giá cao thì cũng không thể đặt được". Theo các đại lý vé máy bay, mặc dù các hãng hàng không đều tăng tần suất chuyến bay nhưng du nhu cầu đi nghỉ lớn nên đối với các đường bay tới các điểm du lịch hầu như đều đã hết vé từ trước.
Từ ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông trong các dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nghiêm cấm và xử phạt nghiêm các hành vi đầu cơ vé, tăng giá vé, giá cước vận tải trái phép… |
Dịp này, tình trạng giá vé xe tăng vô tội vạ cũng đang khiến hành khách “méo mặt”. Tại TP Hồ Chí Minh, hàng loạt hãng xe gắn mác “open tour”, “xe hợp đồng” trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) đều tăng giá vé đi miền Trung dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 cao gấp đôi ngày thường. Nhiều hành khách có nhu cầu đi Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng... vào các ngày 28, 29/4 đều không khỏi giật mình vì bị “hét” giá tới 400.000 - 900.000 đồng/vé.
Tại văn phòng Công ty dịch vụ du lịch L.H vào ngày 22/4, phóng viên báo Tin Tức hỏi vé đi Nha Trang, nhân viên ở đây thẳng thừng: “Giá vé ngày thường là 210.000 đồng, còn đi vào ngày 29, 30/4 thì giá 400.000 đồng. Nếu đồng ý thì nộp tiền, ghi tên, số điện thoại. Đến ngày đi, xe đón trên đường Phạm Ngũ Lão…”. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, quê ở Nha Trang bức xúc: “Tranh thủ đợt nghỉ lễ 5 ngày về thăm nhà, liên hệ một số hãng xe chất lượng cao nhưng không còn vé đi Nha Trang trong ngày 29/4, nên đành ra đây hỏi. Nhưng lại bị “cắt cổ” như vậy thì không thể chấp nhận được”.
Tại điểm giao dịch của Công ty TNHH H.H (cũng trên đường Phạm Ngũ Lão), nhân viên cũng báo giá tuyến TP Hồ Chí Minh - Hội An đi ngày 29/4 là 700.000 đồng, đi Đà Nẵng là 900.000 đồng, trong khi ngày thường chỉ vào khoảng 400.000 - 500.000 đồng/vé. Các nhà xe P.N, K.CF, L.H cũng “hét” giá vé đi Nha Trang đã tăng lên 520.000 đồng/vé, giá vé đi Hội An tăng 800.000 đồng/vé... Lý giải cho việc tăng giá vé, các nhân viên bán vé đều nói là do ngày lễ và để bù đắp cho chiều về xe chạy rỗng.
Vẫn còn kẽ hở trong quản lý
Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, bến xe hiện có khoảng 150 doanh nghiệp khai thác tuyến cố định đi miền Trung. Đến nay, một số doanh nghiệp đề nghị mức phụ thu cao nhất là 40% so với giá cước ngày thường để bù đắp chi phí chiều về xe chạy rỗng. Tuy nhiên, những nhà xe gắn mác “open tour”,“xe hợp đồng” vẫn ngang nhiên bán vé cao gần gấp đôi ngày thường, nhưng vẫn chưa bị cơ quan chức năng xử lý.
Theo Thanh Tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, thanh tra chỉ xử lý việc đón trả khách không đúng quy định và rất khó xử lý những xe “open tour”, “xe hợp đồng” vì không cấm việc đón, trả khách tại địa điểm xác định theo hợp đồng. Ngoài ra, với mác “open tour”, “xe hợp đồng”, những xe này không đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải hành khách như tuyến cố định, không đăng ký kê khai giá cước, nên không có cơ sở để xử lý việc họ bán vé xe quá giá. Chính vì vậy, chuyện “loạn” giá vé vẫn thường xuyên xảy ra.
Bên cạnh đó, theo nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách, việc các xe “open tour”, “xe hợp đồng” đón, trả khách trên tuyến cố định trong nội đô không chỉ ảnh hưởng đến trật tự, mà còn khiến cho nhiều nhà xe hoạt động trong bến gặp khó khăn.
Để đảm bảo đủ xe đi lại cho hành khách tại Hà Nội, Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội đã chủ động tăng cường 350 lượt xe/ngày cho các bến xe Mỹ Đình, Phía Nam, Gia Lâm. Công ty cho biết, giá vé xe tại bến vẫn giữ nguyên như ngày thường vì không có doanh nghiệp vận tải nào đăng ký tăng giá vé. Tuy nhiên, giá xe ngoài bến thì rất khó quản.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: “Đây là kỳ nghỉ có lượng hành khách đi lại đông nhất trong năm. Bến xe đã lên kế hoạch đảm bảo đủ số lượng xe cho hành khách. Trong những ngày cao điểm, những tuyến có lưu lượng đông thì cứ 5 - 10 phút sẽ có một lượt xe xuất bến. Tuy nhiên, nếu hành khách bắt xe ngoài bến thì nhà xe có thể tăng giá cao hơn quy định. Vì vậy, hành khách nên vào trong bến xe mua vé để đảm bảo các quyền lợi”.
Anh Đức - Tiến Hiếu