Xử lý chất thải nguy hại tại Đồng Nai:

Cần thêm nhiều khu xử lý chuyên nghiệp

Mặc dù đã có khoảng 9 Khu xử lý chất thải (KXLCT) đi vào hoạt động với tổng công suất xử lý chất thải nguy hại (CTNH) khoảng 120 tấn/ngày nhưng chất lượng xử lý tại nhiều nơi tại Đồng Nai vẫn chưa đạt, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm thứ cấp ở chính khu vực xử lý chất thải. Thực tế này cho thấy, Đồng Nai cần có thêm nhiều KXLCT chuyên nghiệp để có thể hoàn thành các mục tiêu bảo vệ môi trường của tỉnh.

Nguy cơ ô nhiễm thứ cấp

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai, hiện nay mỗi ngày tỉnh phát sinh khoảng 140 tấn CTNH nhưng số lượng thu gom chỉ đạt gần 120 tấn/ngày. Dự báo của Sở TN&MT cho thấy, năm 2015, trên địa bàn tỉnh sẽ phát sinh khoảng gần 58.000 tấn CTNH, đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn 70.000 tấn.


Hiện nay, số lượng doanh nghiệp thực hiện đăng ký quản lý chủ nguồn thải CTNH ở tỉnh Đồng Nai khá lớn. Toàn tỉnh có khoảng 1.200 sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH với khối lượng gần 130 tấn/ngày. Trước yêu cầu xử lý khối lượng CTNH ngày càng tăng, tỉnh Đồng Nai và Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã cấp phép cho khoảng 22 doanh nghiệp được vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.

Sở TN&MT cho biết, những loại CTNH phổ biến ở Đồng Nai chủ yếu là các loại bao bì, thùng chứa công nghiệp, giẻ lau thải có chứa CTNH, các loại dầu thải, chất thải từ nhiêu liệu lỏng, dung môi thải. Những ngành có khối lượng CTNH cao là: sơn, véc ni và các loại mực in; chế biến da, lông và dệt nhuộm; các sản phẩm kim loại... Bên cạnh đó, đa số chất thải được đưa ra ngoài tỉnh nên quá trình vận chuyển, xử lý rất khó kiểm tra, kiểm soát. Một số trường hợp, sau khi vận chuyển chất thải nguy hại ra ngoài tỉnh, đơn vị thu gom đã lựa chọn các chất thải có thể tái chế được lấy đem bán, số còn lại đem đổ trộm ở những khu vực vắng người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Lựa chọn đơn vị xử lý chuyên nghiệp

Thực tế từ hiệu quả xử lý CTNH trong thời gian qua đã khiến các chủ nguồn thải đứng trước băn khoăn về việc lựa chọn đơn vị xử lý CTNH. Nhiều chủ nguồn thải cho biết họ rất ngần ngại khi giao CTNH cho các đơn vị không đủ năng lực và chỉ tin tưởng các nhà thầu xử lý CTNH đúng nguyên tắc, được cấp giấy phép hành nghề Quản lý CTNH theo Luật định.


Chia sẻ với băn khoăn của các chủ nguồn thải, đại diện công ty CP Dịch vụ Sonadezi (SDV) - chủ đầu tư của KXLCT Quang Trung (một trong 03 KXLCT lớn nhất tại Đồng Nai) cho biết, để chọn đúng nhà thầu, các DN cần tìm hiểu kỹ về quy mô, công nghệ, quy trình xử lý và năng lực của đơn vị cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, việc các nhà thầu lựa chọn địa điểm trung chuyển, tập kết rác có phù hợp, có đáp ứng được lượng chất thải tăng theo thời gian hay không cũng là một yếu tố khá quan trọng, cần tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định.

Trước nhu cầu về xử lý chất thải ngày càng lớn tại tỉnh, một số đơn vị xử lý chất thải đã đầu tư các KXLCT quy mô, hiện đại, có năng lực xử lý tốt. Sau một thời gian hoạt động, các khu xử lý này đang phải tăng tốc mở rộng đầu tư các hạng mục để đảm bảo xử lý kịp thời nguồn chất thải đầu vào ngày một tăng. Như tại KXLCT Quang Trung (ấp Nguyễn Huệ, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), chủ đầu tư đang gấp rút triển khai xây dựng ô chôn lấp số 2, số 3 với công suất khoảng 200 tấn/ngày/ô (ô chôn lấp số 1 đã đóng). Ngoài ra, nhà máy sản xuất phân compost tại KXLCT Quang Trung cũng đang được triển khai xây dựng với công suất 200 tấn/ngày...

Bên cạnh đó, mới đây, SDV đã khởi động vận hành lò đốt FB.1000A công suất 1 tấn/giờ tại Khu xử lý chất thải Quang Trung và khởi công hạng mục nhà máy sản xuất phân compost công suất 200 tấn/ngày tại Khu xử lý chất thải Quang Trung. Với việc chính thức đưa lò đốt chất thải công nghiệp FB - 1000A đi vào hoạt động, Khu xử lý chất thải Quang Trung sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý triệt để khối lượng chất thải công nghiệp nguy hại và không nguy hại trên địa bàn tỉnh và các khu vực lân cận, nâng công suất xử lý của toàn Khu xử lý lên 12.000 tấn/năm (tương đương 40 tấn/ngày). Trong đó, lò đốt có công suất 20 tấn/ngày; ô chôn lấp an toàn, trạm xử lý hóa rắn, máy xử lý bóng đèn với tổng công suất trên 20 tấn/ngày.


Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Đồng Nai, lò đốt chất thải công nghiệp FB - 1000A với tất cả các chỉ tiêu phân tích đều đạt QCVN 30:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Lò đốt chất thải công nghiệp đi vào hoạt động tại Khu xử lý chất thải Quang Trung sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường thông qua việc xây dựng đồng bộ hệ thống lò đốt và xử lý làm sạch khí thải, thu hồi nhiệt để xử lý rác thải công nghiệp phát sinh trên toàn tỉnh.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, KXLCT Quang Trung đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với nhiều hạng mục quan trọng như các ô chôn lấp chất thải, lò đốt, trạm xử lý hóa rắn, kho tiếp nhận và lưu giữ chất thải, trạm cân và trạm xử lý nước thải...

Sau quá trình khảo sát và tìm hiểu thực tế tại KXLCT Quang Trung, nhiều chủ nguồn thải cho biết, với công nghệ xử lý chất thải hiện đại, khối lượng tro để chôn lấp tại KXLCT Quang Trung rất ít, chỉ chiếm 5% khối lượng chất thải, không có nước rác, xử lý 99% khí độc hại nên yếu tố môi trường được bảo đảm. Đây là yếu tố quyết định để các chủ nguồn thải đặt bút ký hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với SDV.

Theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, KXLCT Quang Trung và một số KXLCT khác đang khẳng định năng lực xử lý khá tốt. Tuy nhiên, số lượng các khu như vậy mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với môi trường ở Đồng Nai bởi việc xử lý chất thải mà không đạt chuẩn chẳng khác nào “đánh bùn sang ao”. Trong thời gian tới, Sở sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý việc thu gom, xử lý và đổi mới công nghệ xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh để tránh nguy cơ gây suy thoái môi trường tại những nơi phát sinh chất thải và khu vực xử lý.
PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN