Cần hành động quyết liệt để ngăn chặn suy thoái đa dạng sinh học

Việt Nam nằm trong điểm nóng về đa dạng sinh học khu vực Ấn Độ - Miến Điện, có mức độ đang dạng sinh học cao với nhiều loài đặc hữu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng.

Chú thích ảnh
Hệ động - thực vật tại Cao nguyên Kon Hà Nừng phong phú, đa dạng với nhiều loại quý hiếm. Ảnh: TTXVN phát

Nhằm tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong nỗ lực bảo tồn loài nguy cấp, ngày 22/11, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức cuộc họp tham vấn hoàn thiện “Chiến lược huy động nguồn lực cho bảo tồn loài tại Việt Nam”, đề xuất phương pháp huy động hiệu quả và bền vững các nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi quần thể của các loài hoang dã ở Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Vân Anh, điều phối viên dự án Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam, chuyên viên Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Việt Nam nằm trong điểm nóng về đa dạng sinh học khu vực Ấn Độ - Miến Điện, có mức độ đang dạng sinh học cao với nhiều loài đặc hữu. Theo một báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên năm 2018, có hàng chục loài động, thực vật mới được mô tả trong nước hàng năm. 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng. Theo Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên, Việt Nam có 348 loài thú, 869 loài chim, 384 loài bò sát, 221 loài lưỡng cư và 2.041 loài cá. Trong đó, 75 loài thú, 57 loài chim, 75 loài bò sát, 53 loài lưỡng cư và 136 loài cá được liệt kê là các loài bị đe dọa (thuộc mức cực kỳ nguy cấp, nguy cấp hoặc sắp nguy cấp). Nhiều loài đang bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng và kích thước quần thể của nhiều loài động vật có xương sống đang suy giảm.

Báo cáo của dự án Sáng kiến Thúc đẩy Cam kết Đa dạng sinh học năm 2021 cho thấy, các loài bị ảnh hưởng do mất sinh cảnh sống từ các tác động như phát triển khu dân cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác khoáng sản, xây dựng hạ tầng giao thông, các công trình thủy điện. Hai yếu tố ảnh hưởng nhất đến các loài hoang dã là chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và khai thác gỗ. Mặc dù Chính phủ, các bộ đã có rất nhiều nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này thông qua các chính sách mới và nhiều dự án bảo tồn được thực hiện trong thời gian qua, tuy nhiên, suy thoái đa dạng sinh học vẫn đang là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cả cộng đồng, bao gồm nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự, người dân và đặc biệt là các doanh nghiệp. Do vậy, Việt Nam cần có hành động kiên quyết, mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái tự nhiên và các loài nguy cấp, đặc hữu. Một chiến lược dài hạn và cụ thể sẽ ngăn chặn các nạn săn, bẫy, buôn bán trái phép và có các nỗ lực giúp phục hồi các sinh cảnh, các loài đã bị suy giảm.

Nói về thực trạng suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển cho biết: sự thay đổi độ che phủ rừng giai đoạn 2000 - 2018 ở Việt Nam cho thấy diện tích rừng tự nhiên giảm khoảng gần 2.000 km2 (4,42% so với tổng diện tích rừng), rừng ngập mặn giảm 154 km2 (11,49%), rừng hỗn giao giảm 11.095 km2 (32,33%) và rừng ngập nước giảm 1.784 km2 (68,32%). Đất trồng cây ăn quả và rừng trồng đã mở rộng lên tới 17%, tương đương với 10.367 km2; diện tích nuôi trồng thủy sản đã mở rộng khoảng 10%, tương ứng với khoảng 800 km2. Có thể thấy rằng, rừng tự nhiên là sinh cảnh bị tác động nhiều nhất. Đây cũng là nơi cư ngụ của nhiều loài thực vật và động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Bên cạnh đó, việc khai thác bất hợp lý các loài hoang dã phục vụ nhu cầu thương mại, làm dược liệu, thực phẩm hoặc giải trí là nguyên nhân khiến nhiều loài thực vật và động vật của Việt Nam đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Theo báo cáo của dự án dự trữ carbon và đa dạng sinh học giai đoạn I được thực hiện ở 3 khu bảo tồn Sao La tỉnh Quảng Nam, Sao La tỉnh Thừa Thiên -Huế và khu Bạch Mã mở rộng từ năm 2010 đến năm 2016 đã gỡ bỏ được 95.594 bẫy. Ngoài ra, báo cáo số lượng bẫy gỡ ở các khu bảo tồn ở phía Bắc giai đoạn 2017 – 2019 cũng lên đến hàng nghìn, với nhiều loại bẫy khác nhau như bẫy dây, bẫy kiềng, bẫy lồng,… 

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh, nhằm đưa ra chiến lược hiệu quả, thu hút sự tham gia của các bên trong bảo tồn loài hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, cần tuân thủ những công ước quốc tế, luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quốc gia. Thực tế cho thấy, đa dạng sinh học là đối tượng chịu sự quản lý và ảnh hưởng của nhiều ngành và địa phương. Do đó, cần có cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực trong quản lý, bảo tồn, phục hồi.

Tại cuộc họp tham vấn, các đại biểu đã trực tiếp trao đổi về các bất cập trong nguồn tài chính và các chính sách khuyến khích trong quản lý và bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; đầu tư cho các chương trình bảo tồn; nguồn nhân lực trong bảo tồn đa dạng sinh học; áp dụng văn bản quy định về tài chính... đồng thời, các đại biểu đã thống nhất đề xuất một số hoạt động ưu tiên nhằm huy động tốt hơn nguồn lực trong bảo tồn các loài hoang dã, nguy cấp, quý hiếm cũng như cách thức tổ chức thực hiện, theo dõi, đánh giá nhằm đảm bảo hiệu quả các hoạt động...

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Việt Nam sẽ có 258 khu bảo tồn và 32 khu vực đa dạng sinh học cao
Việt Nam sẽ có 258 khu bảo tồn và 32 khu vực đa dạng sinh học cao

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương, tổ chức, các chuyên gia để xây dựng Dự thảo Báo cáo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN