Thiếu bền vững khi chỉ tăng việc làm đơn thuần
Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thời gian qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, so với các nước trong khu vực ASEAN, hiện NSLĐ của Việt Nam chỉ đứng trên Campuchia. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.
Trên thực tế, ngành khai khoáng có NSLĐ cao nhất do đây là ngành có tính đặc thù, giá trị sản phẩm khai khoáng bao gồm cả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước nóng, khí đốt; hoạt động kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Các ngành xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải, kho bãi, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú ăn uống nhìn chung NSLĐ thấp. Nông, lâm nghiệp và thủy sản là ngành có NSLĐ thấp nhất trong các ngành kinh tế.
Hiện Việt Nam vẫn còn tới 20,5 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi NSLĐ khu vực này chỉ đạt 39,8 triệu đồng/lao động, bằng 38,9% mức NSLĐ chung của nền kinh tế; bằng 30,4% NSLĐ khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 33,7% NSLĐ các ngành dịch vụ.
Thời gian qua, khu vực nông thôn đang có sự chuyển dịch lao động từ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sang các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, lao động di chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp chủ yếu lại chuyển sang làm trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa tác động tăng cao năng suất nội ngành. Như vậy, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện chiếm tới 37,7% lao động của cả nước nhưng khu vực này mới chỉ tạo ra 14,7% GDP. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho NSLĐ của Việt Nam thấp.
TS Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích: Có nhiều nguyên nhân khiến mức NSLĐ của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới như: quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm (các ngành công nghiệp, dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, du lịch của nước ta còn chiếm tỷ trọng thấp), máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu và chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, tích tụ công nghiệp diễn ra chậm, vẫn còn có những “rào cản” từ thể chế và khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ.
Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất yếu và kém năng lực cạnh tranh. Thực tế quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước.
Chỉ ra và phân tích các nguyên nhân nêu trên, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng: Đối với một quốc gia, tăng trưởng GDP nếu chỉ dựa trên tăng việc làm giản đơn, trình độ công nghệ và tay nghề lao động thấp thì thường không cao và thiếu bền vững.
Do đó, cải thiện năng suất lao động của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu.
Sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề
Tự do hóa thương mại và cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế và điểm nhấn căn bản là cải thiện NSLĐ thông qua một loạt các giải pháp về thể chế, chính sách; giải pháp chung cho nền kinh tế và giải pháp cho khối doanh nghiệp.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp, trong khi Thái Lan và Malaysia tạo dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ; còn Singapore cạnh tranh thông qua các sản phẩm, dịch vụ đặc thù với trình độ kỹ thuật cao. Việc dựa vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp khiến các doanh nghiệp ít quan tâm đến áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động, quản trị mới dẫn đến năng suất của lao động Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Do đó, kiến nghị giải pháp về vấn đề tăng NSLĐ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ theo hướng số lượng lao động trong nông nghiệp năng suất thấp chỉ dưới 10%. Việt Nam cần phải nâng cao NSLĐ của hộ kinh doanh (vốn chiếm tới 30% GDP) với 9 triệu lao động. Muốn vậy, phải đổi mới, cải thiện về quản trị, đổi mới về công nghệ.
“Không thể có NSLĐ cao nếu không đưa được 5 triệu hộ kinh doanh vào khu vực doanh nghiệp; bảo vệ, nâng đỡ họ thông qua những hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Quân khẳng định: Hiện lực lượng lao động Việt Nam mới có 24% qua đào tạo. Số còn lại chưa có bằng cấp, chứng chỉ nghề. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức cao là 76% nhưng tính bền vững của việc làm không cao kể cả về thu nhập, môi trường lao động. Thị trường lao động không hình thành đồng bộ theo cơ chế thị trường, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, thiếu lao động có kỹ năng.
Để tăng NSLĐ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nghề, theo địa chỉ, đặt hàng với đơn vị giáo dục trên cơ sở dự báo cung cầu thị trường.
“Lao động Việt Nam chịu nhiều áp lực về chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng môi trường và đào tạo lại. Để thay đổi được giáo dục nghề nghiệp và cung ứng được nhân lực cao tay nghề cao cho xã hội thì phải tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” từ ngày 15-16/11 tại Hà Nội. Đây là dịp khẳng định tầm nhìn và khát vọng trong chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bộ LĐ-TB&XH cũng cho phép các nhà trường có thể thực hiện chương trình đào tạo đến 70 % là thực hành. Nhà trường có thể để doanh nghiệp tham gia tới 40 % chương trình đào tạo. Tôi kỳ vọng trong 5 năm tới đây là giai đoạn bứt phá trong hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp vì cả hai phía đều có cùng áp lực và động lực”, Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: Kỹ năng, đơn vị tiền tệ mới:
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhân tố quyết định đến lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp, tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, trong 10-15 năm tới khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI); khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ. Nhưng nếu các quốc gia tập trung phát triển kỹ năng của người lao động, lấy con người làm trung tâm có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP lên tới 2%. Thậm chí kỹ năng còn được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu...
Ông Phan Chính Thức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Công tác xã hội: Coi doanh nghiệp là chủ thể
Kỹ năng thấp dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 2/5 so với Thái Lan, 1/5 so với Malaysia, 1/15 so với Singapore… Các vị trí xếp hạng cho thấy, Việt Nam còn phải nỗ lực hơn rất nhiều trong việc trang bị và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động. Cần nhìn nhận lại vai trò của doanh nghiệp, bản chất của GDNN là phục vụ sản xuất, xa rời việc này, đào tạo nghề sẽ không thành công. Vì vậy, phải coi doanh nghiệp là chủ thể, tham gia vào toàn bộ quá trình đào tạo, từ đầu vào đến đầu ra. Bên cạnh đó, thúc đẩy, tăng cường việc xây dựng các chính sách về phát triển GDNN nói chung và đào tạo kỹ năng nghề nói riêng.