Năm nay, chương trình tôn vinh 130 cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm giỏi tiêu biểu, những tấm gương hi sinh tận tụy, sống có trách nhiệm, góp phần nêu cao đạo đức truyền thống nhà giáo.
Tại buổi giao lưu, cô Nguyễn Thị Hồng Phượng (sinh năm 1991), giáo viên Trường Mầm non Long Trường (quận 9) không khỏi tâm tư với nghề khi thời gian qua, ngành giáo dục có những chuyện buồn trong việc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà giáo và uy tín với xã hội, phụ huynh. Thế nhưng, những điều đó không làm mất đi truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt vì có rất nhiều giáo viên vẫn đang từng ngày cống hiến cho ngành giáo dục, cho sự nghiệp trồng người.
“Bậc mầm non, đặc thù là nền tảng cho những bậc học sau này, hình thành kỹ năng cho học sinh... Bậc mầm non có những khó khăn nhất định nên giáo viên phải tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ mới có thể làm tốt công việc. Do đó, cái tâm phải đi đầu và quan trọng hơn cái tài”, cô Nguyễn Thị Hồng Phượng chia sẻ thêm.
Riêng với cô Phạm Thị Phương Linh, giáo viên Trường THPT Trần Văn Giàu, cho rằng một người giáo viên chủ nhiệm giỏi cần đòi hỏi các yếu tố tỉ mỉ, tận tình, yêu nghề, nhiệt huyết, khéo léo và tế nhị. Những phẩm chất này kết hợp cùng ý chí và nghị lực vượt khó của bản thân mới giúp các thầy, cô được trau dồi và rèn luyện bản thân, trở thành những giáo viên tốt.
Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục TP Hồ Chí Minh cho hay, nhà giáo nếu không tích cực đổi mới, sáng tạo, không tự học, tự rèn sẽ không đủ năng lực đáp ứng với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội và không làm tròn được chức năng của mình. Một trong những khó khăn, thách thức của nhà giáo trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước là làm thế nào để có thể cân bằng giữa phương pháp dạy thuyết giảng với phương pháp gợi mở; giữa giáo dục roi vọt, dọa nạt với hướng xây dựng môi trường học tập thân thiện và dân chủ trong trường học.