Cải thiện đời sống người dân nông thôn

Theo các nhà nghiên cứu nông nghiệp, nông thôn, mặc dù thu nhập của người dân nông thôn tăng trong hơn 2 năm qua, nhưng chỉ số về hạnh phúc, sự hài lòng của người dân nông thôn đối với chất lượng cuộc sống đã giảm sút.

Quá nửa người dân nông thôn không hài lòng về cuộc sống

Hôm qua (26/8), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cùng với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã công bố báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam” từ kết quả điều tra tại 3.648 hộ gia đình ở nông thôn năm 2014 tại 12 tỉnh trong cả nước.

Thu nhập của người dân nông thôn chủ yếu từ nông nghiệp. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN


Đáng chú ý, chỉ số hài lòng về cuộc sống của người dân nông thôn trong đợt điều tra lần này giảm sút so với cuộc điều tra năm 2012. Cụ thể, số người được hỏi cảm thấy hạnh phúc chỉ là 43,9%, giảm 5,2% so với năm 2012. Trong khi đó, số người cảm thấy không hạnh phúc chiếm 56,1%, tăng 6% so với năm 2012. Ba yếu tố chính tác động tới sự không hài lòng của người dân nông thôn về cuộc sống ở nông thôn là: Sức khỏe, thu nhập và cuộc sống chưa ổn định.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện IPSARD lý giải, chỉ số này giảm là điều đáng báo động. Thực tế, thu nhập của người nông dân nông thôn có xu hướng tăng nhẹ, số hộ nghèo có xu hướng giảm nhẹ nhưng chỉ số không hạnh phúc lại tăng. Nguyên nhân là do thu nhập của người nông dân tăng nhưng đồng thời lạm phát tăng, bất ổn về mặt cuộc sống tăng lên... Những yếu tố này đã gây sức ép cho người dân.

“Cơ hội về việc làm, sinh kế càng ngày càng khó khăn hơn, trong khi tài nguyên không thể khai thác hơn được, tình trạng mất trật tự an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm tăng lên, niềm tin vào cộng đồng giảm sút... đó là những nguyên nhân chính khiến chỉ số hạnh phúc của người dân nông thôn giảm sút”, ông Tuấn cho biết thêm.

Cùng quan điểm này, ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông nghiệp (CIEM) cho rằng, tỷ lệ người dân nông thôn hài lòng với cuộc sống giảm đi vì trong xã hội nông thôn đang có nhiều thay đổi, những diễn biến này tạo ra tâm lý không ổn định, tạo cho người nông dân cảm thấy bất an, không hài lòng với cuộc sống. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng tới họ, ví dụ tiếp cận sức khỏe, học tập, dịch vụ công... ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thiên tai nhiều hơn khiến họ không yên tâm với cuộc sống hiện tại.

Giúp người dân thoát nghèo bền vững

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để nâng cao sự hài lòng của người dân nông thôn đối với cuộc sống, trước hết phải nâng cao đời sống vật chất, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ công.

Ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (CIEM) cho biết, thời gian tới Nhà nước cần tập trung vào các chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình nông thôn, đẩy mạnh an sinh xã hội, cải cách dịch vụ công để cải thiện đời sống và chỉ số hài lòng của người dân.

“Cần có các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, khuyến khích người dân phát triển phi nông nghiệp để tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Bên cạnh đó, phải chú trọng chính sách an sinh xã hội như cải cách dịch vụ y tế, giáo dục, các dịch vụ công... để người dân tiếp cận tốt hơn. Những hộ đặc biệt khó khăn, nhóm yếu thế... cần được hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống”, ông Khải cho biết thêm.

Điều tra được tiến hành tại 3.648 hộ ở 12 tỉnh bao gồm: Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hà Tây (cũ), Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Điều tra cũng cho thấy, các nhóm dân tộc thiểu số tiếp tục bị tụt hậu so với khu vực dân tộc Kinh trên cùng địa bàn.

Hiện nay, tỉ lệ người dân nông thôn chưa qua đào tạo, không có bằng cấp ở nông thôn còn khá cao, chiếm trên 70% dân số, gây ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Do vậy, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện IPSARD cho rằng, cần xem lại cách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng phù hợp với thị trường, đào tạo phải gắn liền với nhu cầu sử dụng người lao động, như vậy mới hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Theo kết quả nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp vẫn là thu nhập chính của đa số các gia đình nông thôn, vì vậy cần giải phóng đất đai để tăng thu nhập cho người dân. Môi trường kinh doanh ở nông thôn còn nhiều bất cập, là rào cản đối với nhiều doanh nghiệp, do vậy cần cải thiện để thu hút đầu tư vào nông thôn.

Bên cạnh đó, “Người dân nông thôn đang lo lắng hơn về các vấn đề trật tự an ninh xã hội. Vì vậy, ngoài các chính sách phát triển kinh tế, cần trú trọng hơn tới các vấn đề xã hội, để giữ vững ổn định và phát triển kinh tế xã hội”, ông Lê Anh Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng nói.

H.V
Đào tạo nghề nông thôn  gắn với nhu cầu
Đào tạo nghề nông thôn gắn với nhu cầu

Chương trình đào tạo nghề nông thôn theo đề án 1956, giai đoạn 2010-2014, chưa đạt kết quả như mong đợi, do nhiều địa phương chỉ chạy theo số lượng, ít chú trọng tới chất lượng đầu ra của đào tạo nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN