Thách thức xây dựng nông thôn mới ở Cao Bằng

Sau gần 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của tỉnh Cao Bằng đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên trong tổng số 177 xã thực hiện chương trình, tỉnh chưa có xã nào đạt trên 19 tiêu chí về nông thôn mới. Các tiêu chí như nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, chợ nông thôn… đang trở thành những “thách thức” đối với các xã miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh.  

Nhiều tiêu chí khó thực hiện

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Cao Bằng, tổng nguồn vốn bố trí trực tiếp cho chương trình là 3.733 tỷ đồng; trong đó vốn trực tiếp cho chương trình là 248 tỷ đồng; vốn từ các chương trình mục tiêu triển khai trên địa bàn các xã là 3.441 tỷ đồng và 44 tỷ đồng do cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đóng góp.

Bản Pắc Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững. Ảnh: Quân Trang-TTXVN


Tuy nhiên, trong bối cảnh suy giảm kinh tế, việc huy động nguồn lực từ Nhà nước và doanh nghiệp, nhân dân còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, tâm lý trông chờ, thụ động của một bộ phận người dân ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện cuộc vận động. Chính vì vậy số xã chỉ đạt từ 1-5 tiêu chí còn rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Sinh Cung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, nguyên nhân khiến các xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới thấp là điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng, dân trí… còn thấp; địa hình đồi núi rộng, dân cư phân tán… Đặc biệt nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho chương trình còn thấp; việc thực hiện lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác chưa được nhiều.

Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, thu nhập của người dân nông thôn giai đoạn 2013-2015 phải đạt bình quân từ 18 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất của người dân khu vực miền núi còn lạc hậu, diện tích đất canh tác của nhân dân ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất nên để thu nhập của người dân đạt chuẩn trên là một vấn đề nan giải. Hiện toàn tỉnh Cao Bằng chỉ có 9% diện tích đất có thể sản xuất nông nghiệp, cùng với trình độ sản xuất lạc hậu nên thu nhập của người dân vẫn còn rất thấp, đến nay chỉ đạt trung bình 11,5 triệu đồng/người/năm. Trong 177 xã của tỉnh, chỉ có 16 xã đạt yêu cầu về tiêu chí thu nhập.

Mặc dù bộ mặt nông thôn miền núi ở Cao Bằng đã có nhiều thay đổi nhưng đến nay trong tổng số 177 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chưa có xã nào đạt trên 19 tiêu chí. Ảnh: Quân Trang-TTXVN


Trong 19 tiêu chí thì tiêu chí về vệ sinh môi trường của tỉnh là đạt thấp nhất và rất khó thực hiện, đến nay tỉnh chỉ có 1 xã/177 xã hoàn thành tiêu chí môi trường. Toàn tỉnh mới có 11% số hộ gia đình nông thôn có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh. Chưa có xã nào có hợp tác xã hoặc tổ vệ sinh môi trường hoạt động. Kết quả đánh giá khi khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy mức đạt chỉ tiêu các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường là còn được châm trước. Nhiều xã triển khai xây dựng nghĩa trang nhưng việc hoàn thành theo quy hoạch nông thôn mới còn khó khăn, vì chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế chính sách đối với xây dựng nghĩa trang, hầu hết đang dừng ở quy hoạch quỹ đất hoặc giữ nguyên hiện trạng nghĩa trang cũ của địa phương. Việc sử dụng đất nghĩa trang vẫn phụ thuộc vào phong tục, tập quán địa phương, chủ yếu quan tâm đến chôn cất người qua đời mà chưa quan tâm đến diện tích cây xanh, các công trình phụ trợ, mỹ quan.

Cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định sửa đổi 5 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; trong đó chợ nông thôn được sửa lại là "không nhất thiết mỗi xã phải có một chợ để phục vụ người dân", chợ theo quy hoạch và đạt chuẩn theo quy định chứ không phải “đạt chuẩn của Bộ Xây dựng” như tiêu chí cũ. Điều này giúp các địa phương trong tỉnh có thể điều chỉnh để xây dựng theo đặc thù vùng miền, bảo đảm tính bền vững của tiêu chí. Tuy nhiên, một số địa phương trong tỉnh vẫn khó khăn thực hiện tiêu chí này do khó huy động vốn xây dựng chợ.

Cần chính sách đặc thù

Hiện tỉnh Cao Bằng vẫn tập trung ưu tiên đầu tư cho các xã đã tiệm cận, gần hội đủ các yếu tố đạt chuẩn. Tuy nhiên, còn nhiều xã biên giới vùng sâu, vùng xa điều kiện cơ sở vật chất còn quá khó khăn thì nguồn vốn đầu tư không được nhiều.

Ông Hoàng Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Lương Thông, huyện Thông Nông cho biết, xã có tới 10 xóm/25 xóm chưa có điện lưới quốc gia, 12/25 xóm chưa có đường xe máy vào xóm. Chính vì vậy nhiều gia đình cho dù có điều kiện để mua ti vi, xe máy để phục vụ đời sống sinh hoạt cũng không thể mua. Theo đề án của xã, mỗi năm phải có 30-50 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, năm 2014, xã mới được phân bổ 2 tỷ đồng để thực hiện, còn năm 2015 lại không được cấp đồng vốn nào. Theo đề án được huyện phê duyệt để hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã cần phải có nguồn vốn gần 400 tỷ đồng, nếu mỗi năm được cấp 2 tỷ đồng thì xã không thể thực hiện.

Còn theo ông Công Văn Hưu, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc: Muốn xây dựng được nông thôn mới thì vấn đề cốt lõi là phát triển kinh tế nông thôn, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và tái đầu tư phát triển sản xuất chứ không thể trông chờ vào nguồn vốn cấp trên cho. Vì vậy, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn phải xuất phát từ điều kiện cụ thể của địa phương với những đặc điểm tự nhiên, đặc điểm lịch sử, đặc điểm văn hóa truyền thống và nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng dân cư nông thôn; sự tham gia của người dân trong công tác quy hoạch là rất quan trọng.

Quỹ đất dành để quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng như nhà văn hóa, sân thể thao, đường giao thông, trường tiểu học-mầm non… theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới của một số thôn bản vùng cao, vùng sâu rất hạn chế do địa hình chia cắt và độ dốc quá lớn. Trong khi đó nguồn lực để tổ chức thực hiện các tiêu chí này cũng rất lớn, vượt quá khả năng của tỉnh bởi tham gia nguồn lực trong dân hạn chế, thu hút đầu tư các thành phần kinh tế khu vực nông thôn rất khó khăn…

Ðể các xã biên giới, tiến kịp các xã có điều kiện thuận lợi, ngoài nỗ lực của địa phương, rất cần sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước; trong đó có chính sách đặc thù đối với từng xã; giải quyết đồng bộ nhiều lĩnh vực có liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân được nâng lên, tạo thành phong trào sâu rộng. Từ đó, tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung trọng điểm, bức xúc trên địa bàn và có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt để huy động nguồn lực thực hiện. Chú trọng hơn nữa đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tích cực, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hàng hóa hiệu quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Mạnh Hà
Lâm Bình phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới
Lâm Bình phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới

Lâm Bình là huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, mới thành lập từ năm 2011, xuất phát điểm của các xã khi xây dựng nông thôn mới rất thấp, chỉ đạt từ 1 - 2 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, với hơn 67%. Trước những khó khăn đó, huyện Lâm Bình xác định: Dựa vào nội lực của dân...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN