Rác thải được đổ rồi đốt trong cánh đồng làng Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội – một làng nghề làm chăn, gối bông. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Đoàn đã khảo sát thực tế tại một số làng nghề truyền thống ngoại thành Hà Nội, trên địa bàn các xã: Cổ Loa, Liên Hà, Vân Hà (huyện Đông Anh); Phùng Xá, Canh Nậu, Dị Nậu (huyện Thạch Thất); Dương Liễu, Minh Khai, Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); Chuyên Mỹ, Phú Yên, Vân Từ (huyện Phú Xuyên); Hòa Bình, Duyên Thái, Tiền Phong (huyện Thường Tín); Kiêu Kỵ, Bát Tràng, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm).
Tổng số làng nghề và làng có nghề của Hà Nội là 1.350 làng, trong đó có gần 300 làng nghề được công nhận. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các làng nghề đều bị ô nhiễm ở phạm vi khá rộng và nghiêm trọng với nhiều dạng khác nhau: ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm chất thải rắn, nước thải, không khí...
Khối lượng chất thải trung bình một ngày ra môi trường tương đối lớn như chất thải rắn (40 tấn/ngày); nước thải phát sinh khoảng 600m3/ngày; khí thải chiếm tỷ lệ ít, chủ yếu từ môt số làng nghề sản xuất đồ gỗ phát sinh trong quá trình phun sơn PU cho sản phẩm...
Tại một số làng nghề, chỉ cần mắt thường cũng đã phát hiện ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí mà không cần thông qua quan trắc. Qua lựa chọn theo phương pháp điểm ngẫu nhiên, các Tổ khảo sát đã tiến hành lấy mẫu tại một số cụm điểm làng nghề truyền thống và kết quả xét nghiệm mẫu cho thấy các nơi này đã bị ô nhiễm với mức độ khác nhau...
Một số ít làng nghề được đầu tư hệ thống xử lý nước thải nay đã lạc hậu và xuống cấp, do đó việc xử lý không đạt quy chuẩn về nước thải trước khi thải ra môi trường; việc đầu tư công nghệ, công suất xử lý nước thải tại một số làng nghề còn chưa thực tế, tính hiệu quả chưa cao, công tác bảo trì, bảo dưỡng chưa được quan tâm; chưa có công tơ đo lưu lượng để đo đếm hoặc theo dõi chính xác lượng nước thải; nước thải sinh hoạt và nước thải từ làm nghề chưa được tách riêng đối với khu dân cư.
Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung Luật Bảo vệ môi trường về chế định quy định chi tiết về bảo vệ môi trường làng nghề truyền thống nhằm bảo tồn một số ngành nghềsản xuất của dân tộc, đồng thời quy định bắt buộc di dời một số ngành nghề gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sớm ban hành quy định riêng về bảo vệ môi trường làng nghề đáp ứng nhu cầu vừa phát triển kinh tế nông thôn,vừa bảo vệ môi trường bền vững; Rà soát, ban hành bổ sung các quy định thống nhất về chính sách cho làng nghề truyền thống; giao một cơ quan làm đầu mối quản lý làng nghề để việc thực hiện thông suốt tránh việc quản lý chồng chéo giữa các cơ quan, các ngành; ban hành cơ chế tài chính đặc thù trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, dự án trọng điểm; đầu tư các công trình xử lý môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đối với UBND thành phố Hà Nội, Đoàn ĐBQH đề nghị tập trung chỉ đạo các Sở, UBND quận, huyện, thị xã triển khai có hiệu quả Kế hoạch 235/KH-UBND ngày 31/12/2015 về việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.
Kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ, đột xuấtviệc chấp hành các quy định pháp luật; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là một số vụ điển hình, nghiêm trọng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch triển khai “Hỗ trợ kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020”. Từng bước nghiên cứu, quy hoạch chuyển đổi một số nghề và định hướng phát triển kinh tế tại một số làng nghề gây ô nhiễm; quan tâm, có lộ trình di chuyển việc sản xuất ra khỏi khu dân cư.