Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, hiện tình hình bệnh dại trên đàn chó, mèo diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 trường hợp bệnh dại trên chó tại huyện Đức Hòa và huyện Tân Hưng. Tại huyện Tân Hưng đã có 2 ca tử vong trên người do bệnh dại tại thị trấn Tân Hưng và xã Hưng Điền vào đầu tháng 2/2024. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai các biện pháp chống dịch trên địa bàn huyện Tân Hưng, Đức Hòa và chỉ đạo các địa phương còn lại tập trung tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo. Từ đầu năm đến nay, sở đã xuất cấp hơn 12.200 liều vaccine và mua thêm 5.000 liều vaccine tiêm phòng dịch bệnh dại.
Song song đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tập trung thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2024 nhằm tăng cường quản lý chăn nuôi, giám sát và kiểm soát dịch bệnh để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, góp phần bảo vệ sản xuất chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng; chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng dịch và sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.
Theo đó, ngành chuyên môn sẽ tổ chức tiêm phòng định kỳ các loại vaccine phòng bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, dịch tả heo cổ điển, tai xanh, úm gia cầm, bệnh dại… Riêng đối với bệnh dại, sẽ tổ chức tiêm phòng bắt buộc với toàn bộ chó, mèo thuộc diện tiêm trên địa bàn tỉnh Long An; số lượng dự kiến thực hiện năm 2024 là hơn 88.000 liều vaccine, bao gồm cả tiêm phòng thu tiền và miễn phí.
Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh đối với từng loại bệnh; thông tin tuyên truyền những kiến thức về các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cũng như các chính sách hỗ trợ khi có gia súc, gia cầm bệnh bắt buộc tiêu hủy nhằm giúp người chăn nuôi hiểu rõ, hiểu đúng, đầy đủ và chủ động thực hiện đúng. Xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn thí điểm trong quản lý và tiêm phòng chó, mèo; thực hiện kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, trong năm 2023, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm toàn tỉnh được kiểm soát tương đối tốt, các ổ dịch phát sinh nhỏ lẻ, được phát hiện và khống chế kịp thời, không lây lan trên diện rộng. Số lượng ổ dịch cả năm 2023 không lớn, so với năm 2022 số lượng ổ dịch, hộ có dịch giảm 25% (45/60 hộ). Trên toàn tỉnh phát hiện 3 trường hợp chó mắc bệnh dại tại huyện Vĩnh Hưng và huyện Đức Huệ; bệnh da nổi cục chỉ xảy ra tại 4 hộ huyện Tân Hưng và Mộc Hóa với tổng số con bệnh là 4 con; bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 31 hộ thuộc 22 xã trên địa bàn, tiêu hủy 773 con; dịch bệnh Cúm gia cầm xảy ra tại 6 hộ thuộc huyện Cần Đước với tổng tiêu hủy là 7.399 con…
Tại Quảng Ninh, theo thông tin của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 2/4, toàn tỉnh đã tiêm vaccine phòng dại cho gần 95.300 con chó, mèo, chiếm khoảng 81% tổng đàn chó, mèo trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo.
Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo đạt ở mức cao là: thị xã Quảng Yên 95%, huyện Tiên Yên 95%, thành phố Cẩm Phả 91%, thành phố Móng Cái 90%, huyện Đầm Hà, thành phố Hạ Long trên 90%,... Toàn tỉnh cũng đã thành lập 145 tổ công tác xử lý chó, mèo thả rông chưa tiêm phòng.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh cho biết, đến nay địa phương đã hoàn thành kế hoạch tiêm theo mục tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra, đảm bảo tỷ lệ tiêm vaccine đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo. Đối với số còn lại là chó, mèo mới, hoặc chưa đến kỳ tiêm. Để đảm bảo việc phòng chống dịch dại, đơn vị phấn đấu đến ngày 10/4 sẽ đạt trên 90% số chó, mèo được tiêm phòng vaccine. Hiện các địa phương thời gian qua xuất hiện dịch dại như huyện Đầm Hà, thành phố Hạ Long đã tiêm đạt trên 90%.
Bà Thủy cũng thông tin thêm, lực lượng cán bộ thú y cơ sở đã căng mình để hoàn thành kế hoạch tiêm, bởi hiện tại toàn tỉnh mới có 169/177 đơn vị cấp xã có cán bộ thú y, do vậy các địa phương phải điều phối, hỗ trợ địa bàn để hoàn thành mục tiêu.
Điển hình tại thành phố Hạ Long có 33 xã phường, nhưng chỉ có 28 thú y viên, việc tuyển dụng cán bộ thú y cũng rất khó khăn. Bởi lực lượng thú y hiện nay tại các phường xã rất khó tuyển dụng do phụ cấp thấp, chỉ bằng 1,0 mức lương cơ sở. Một số khác lại hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chức danh khác tại xã, phường, tùy thuộc vào tình hình ngân sách địa phương có thể được chi trả thêm từ 35 - 50% mức phụ cấp của công việc chính.