Các chùa tiếp tục lan tỏa phong trào bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch

Thời gian qua, khi xảy ra các đợt dịch COVID-19 tại các địa phương, tăng, ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đã tích cực làm nhiều việc Phật sự hướng về vùng tâm dịch, chia sẻ yêu thương, đóng góp nguồn lực cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm vật tư, thiết bị y tế ủng hộ các bệnh viện, xung phong vào tuyến đầu chống dịch phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện thu dung.

Chú thích ảnh
Hòa thượng Thích Thiện Ngọc, chùa Phổ Minh chuẩn bị gạo, mì tặng cho người nghèo, người gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: TTXVN phát

Các chùa, cơ sở tự viện trong vùng tâm dịch mỗi ngày đã làm hàng nghìn xuất cơm từ thiện yêu thương gửi đến đồng bào khó khăn, những người yếu thế trong xã hội, cũng như quan tâm đến các y, bác sỹ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, các tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch… thể hiện lòng từ bi của đạo Phật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tiếp tục hướng về đồng bào tại các tỉnh phía Nam đang ở trong tâm dịch, khi diễn biến lây nhiễm vẫn còn vô cùng phức tạp, kéo dài; hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ý chí của Quốc hội và Công điện số 1063/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam, tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách; thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm thực hiện ai ở đâu ở đấy, ngày 1/8, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản đề nghị tăng, ni, phật tử các chùa tiếp tục tích cực hơn nữa thực hiện và lan tỏa phong trào bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch.

Trong văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố; tăng, ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể tăng, ni, phật tử thực hiện nghiêm nội dung Công điện 1063/CĐ-TTg: Ai ở đâu ở đấy; đồng thời, tiếp tục thực hiện cấm túc, tụng kinh cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an.

Tăng, ni, các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục tập trung ủng hộ nguồn lực hướng về 19 tỉnh, thành phố phía Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân.

Các chùa, cơ sở tự viện trong vùng tâm dịch tiếp tục tích cực hơn nữa tổ chức thực hiện và lan tỏa phong trào “Bữa cơm yêu thương” trong vùng tâm dịch gửi đến đồng bào khó khăn, những người yếu thế trong xã hội an tâm ở yên một chỗ, cũng như quan tâm động viên đến các y, bác sỹ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, các tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch… Các chùa, cơ sở tự viện các tỉnh, thành phố ở ngoài tâm dịch bùng phát lần này tiếp tục ủng hộ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả… hàng hóa thiết yếu tới các chùa trong vùng dịch để tổ chức các bữa cơm yêu thương phục vụ người dân trong lúc khó khăn vượt qua thời gian thực hiện giãn cách.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn lưu ý, trong quá trình tổ chức thực hiện các Phật sự, cần sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương các cấp, lực lượng phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong các hoạt động thiện nguyện.

“Hơn lúc nào hết, Chư tôn đức tăng, ni, đồng bào phật tử đoàn kết chung tay, vững tin vào sự lãnh đạo của các cấp chính quyền để sớm vượt qua và chiến thắng đại dịch, cuộc sống trở lại bình an”, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
 Chuẩn bị chu đáo phương án đón công dân từ tâm dịch về Đắk Lắk
Chuẩn bị chu đáo phương án đón công dân từ tâm dịch về Đắk Lắk

Theo dự kiến, ngày 1/8, các phương tiện đi đón công dân của tỉnh Đắk Lắk đang tạm trú tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xuất phát từ Bến xe phía Nam, thành phố Buôn Ma Thuột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN