Bộ luật Lao động 2019 bảo đảm hài hòa lợi ích

Trong 2 ngày 15 và 16/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội nghị triển khai những nội dung mới của Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chú thích ảnh
 Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Đây là dịp để đại biểu các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng các tỉnh phía Nam lắng nghe, trao đổi, thảo luận, giải đáp những vướng mắc của Bộ luật Lao động năm 2019 sau gần 4 tháng có hiệu lực nhằm thúc đẩy môi trường lao động, việc làm hiệu quả tại các địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Bộ luật Lao động 2019 với 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, mang tính lịch sử, đáp ứng các yêu cầu mới của việc quản trị thị trường lao động, trong bối cảnh hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.

Một số sửa đổi bổ sung lớn, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm như: Mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với người lao động có quan hệ lao động và người lao động không có quan hệ lao động; những quy định bảo vệ tối thiểu, trao quyền tự chủ cho các bên trong quan hệ lao động tự quyết định các vấn đề về tiền lương và các điều kiện lao động khác thông qua đối thoại, thương lượng. Bên cạnh đó là những quy định đảm bảo phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản như quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động; những quy định về bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động, bảo vệ lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật...

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, việc ban hành Bộ luật đã khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành bộ luật trước đây, đáp ứng những đòi hỏi mới của việc quản trị thị trường lao động đang thay đổi, phát triển rất nhanh chóng. Đồng thời để thực hiện những cam kết quốc tế, phục vụ quá trình hội nhập của Việt Nam, bảo đảm phù hợp, tiệm cận với tiêu chuẩn lao động quốc tế, hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích chung của quốc gia.

Để những chính sách của Bộ luật Lao động 2019 đi vào cuộc sống hiệu quả, kịp thời, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, đào tạo tập huấn những nội dung Bộ luật Lao động và những văn bản hướng dẫn thi hành là cần thiết nhằm nâng cao hiểu biết cho các đối tượng, tháo gỡ những vướng mắc để thực thi chính sách đúng, đủ và hiệu quả.

Chú thích ảnh
Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Cùng quan điểm, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, Bộ luật Lao động năm 2019 đã đáp ứng yêu cầu quan hệ lao động trong thị trường hiện nay cũng như yêu cầu của các tổ chức quốc tế về thị trường lao động trên thế giới. Do đó, việc triển khai những nội dung mới của Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các tỉnh, thành phố rất quan trọng nhằm giúp các địa phương, ngành chức năng hiểu rõ hơn trong quá trình thực hiện, nhất là khi tiếp xúc trực tiếp các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động để góp phần cải thiện, tạo ra môi trường hài hòa hơn trong quan hệ lao động.

Quan sát trong 20 năm qua, ông Chang-Hee Lee khẳng định ngày càng nhiều doanh nghiệp các nước tham gia thị trường và sử dụng người lao động Việt Nam ở các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Kết quả trên là do Việt Nam có bối cảnh chính trị ổn định, lực lượng lao động lớn; đặc biệt, sự chăm chỉ, cần cù của người lao động là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển của kinh tế đất nước.

Ông Chang-Hee Lee cũng đánh giá cao thị trường lao động Việt Nam những năm gần đây không ngừng phát triển, có rất nhiều khác biệt so với trước, nhất là có sự tham gia của nhiều tổ chức, đối tác. "Điều Chính phủ, các bộ, ngành cần làm trong xu hướng mới là tạo điều kiện tốt nhất để người lao động được đảm bảo quyền lợi hợp pháp, tích cực tham gia đóng góp để cùng hướng đến tương lai tốt hơn", ông Chang-Hee Lee khuyến nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ những nội dung mới trong Bộ luật Lao động 2019 như: Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động.

Các đại biểu cũng trao đổi, chia sẻ điểm mới về lao động đặc thù trong Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành như: Lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi, lao động là người khuyết tật, lao động giúp việc gia đình…

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định, Bộ ban hành 2 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2019. Dự kiến, Nghị định quy định tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể sẽ được Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây...

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Khám tầm soát bệnh nghề nghiệp cho 27.200 lao động
TP Hồ Chí Minh: Khám tầm soát bệnh nghề nghiệp cho 27.200 lao động

Trong năm 2021, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp tổ chức thí điểm khám tầm soát các loại bệnh nghề nghiệp cho 27.200 đoàn viên công đoàn, người lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN