Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực rà soát, hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các nhóm chính sách chưa phát sinh hồ sơ.
Tỉnh tăng cường các giải pháp giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan kết nối với các doanh nghiệp để tổ chức cho người lao động trở lại làm việc kịp thời sau khi dịch bệnh được kiểm soát; rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động trong tỉnh sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Cùng với đó, tỉnh rà soát nhu cầu của người lao động trở về địa phương do bị ảnh hưởng của dịch để triển khai đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm mới phù hợp; tập trung thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, nhất là hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 thông qua “túi an sinh xã hội” .
UBND tỉnh đã lãnh đạo triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, góp phần giúp người lao động, người sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 giải quyết khó khăn trước mắt. Hiện 9/9 đơn vị huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chi hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Đến ngày 1/10, tỉnh đã rà soát, lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho 197.503 người lao động và 8.182 hộ kinh doanh, doanh nghiệp với kinh phí dự kiến hỗ trợ 266,7 tỷ đồng. UBND cấp huyện phê duyệt 171.308 đối tượng người lao động và 5.279 hộ kinh doanh, doanh nghiệp, kinh phí hơn 202,6 tỷ đồng.
Đến nay, các địa phương đã chi hỗ trợ cho 150.454 người lao động, đạt 87,83% so với số đối tượng được phê duyệt; chi hỗ trợ 2.968 hộ kinh doanh và doanh nghiệp, đạt 56,22%; tổng số tiền chi hỗ trợ hơn 160 tỷ đồng. Tỉnh Bến Tre đã hoàn thành cấp phát gạo cho 71.082 hộ với 160.551 nhân khẩu.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh vần còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số địa phương chưa mạnh dạn xem xét hỗ trợ đối với người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của các doanh nghiệp thực hiện phương án ”3 tại chỗ” do những doanh nghiệp này không thể sắp xếp, bố trí người lao động làm việc như bình thường mà chỉ bố trí khoảng 30 - 50% số lượng lao động. Số lao động còn lại thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp phải tạm dừng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo phòng, chống dịch, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương mới được xem xét hỗ trợ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn hoạt động. Do đó các địa phương chưa mạnh dạn xem xét đối với người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương ở những doanh nghiệp này.