Theo ông Nguyễn Văn Cung, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần môi trường Đồng Xanh, trong đơn giá đấu thầu tỉnh Đồng Nai đưa ra, giá để chôn lấp 1 tấn rác thải sinh hoạt là hơn 300.000 đồng, xử lý phân vi sinh là 470.000 đồng, nếu đốt là trên 400.000 đồng.
Đơn giá trên tồn tại bất cập, bởi quá trình xử lý rác thành phân vi sinh áp dụng công nghệ phức tạp, chi phí mỗi tấn phải trên 500.000 đồng thì doanh nghiệp mới có lãi. Với việc đốt rác sinh hoạt, đây là loại rác khó đốt do độ ẩm cao, nhiều tạp chất, ngoài ra doanh nghiệp còn phải tuân thủ theo tiêu chuẩn khắt khe của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Nguyễn Văn Cung chia sẻ: “Chúng tôi đang ký hợp đồng đốt rác thải công nghiệp không nguy hại với nhiều công ty, giá hơn 1 triệu đồng/tấn. So với đốt rác công nghiệp không nguy hại, đốt rác sinh hoạt phức tạp hơn nhiều nhưng giá chưa bằng một nửa. Giá này không doanh nghiệp nào thực hiện được”.
Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Cù Lao Xanh (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), hiện Công ty đã xây dựng, đưa vào vận hành nhà máy đốt rác sinh hoạt ở huyện Xuân Lộc. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian hoạt động, nhà máy đã phải ngừng đốt rác do thua lỗ nặng nề. Với giá 400.000 đồng/tấn, mỗi ngày doanh nghiệp đốt 50 tấn thu về 20 triệu đồng, một tháng đốt 1.500 tấn thu về 600 triệu đồng.
Nhưng trong một tháng, để đốt 1.500 tấn rác, doanh nghiệp mất hơn 300 triệu đồng tiền điện, khoảng 120 triệu đồng tiền nhân công và hàng trăm triệu đồng tiền dầu, chi phí hao mòn máy móc. Để khuyến khích doanh nghiệp đốt rác sinh hoạt, Đồng Nai phải nâng đơn giá lên khoảng 800.000 đồng/tấn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, hiện mỗi ngày Đồng Nai thu gom hơn 1.200 tấn rác thải sinh hoạt, 63% số rác này được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Chôn lấp rác có ưu điểm là xử lý được khối lượng rác lớn, chi phí thấp, song phương pháp này chiếm nhiều diện tích đất, thời gian rác phân hủy chậm, gây ô nhiễm khu vực xử lý.
Trong khi đó, đốt và tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế, tạo ra nguồn thu bằng việc tái sử dụng rác làm phân compost; thu hồi nhựa, giấy, kim loại, tận dụng nhiệt năng để phát điện; ngăn ngừa được sự ô nhiễm trong quá trình xử lý.
Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết: Để đảm bảo vệ sinh môi trường, Đồng Nai đã xây dựng nhiều khu xử lý chất sinh hoạt, song đến nay mới có 3 khu tiến hành xử lý bằng phương pháp đốt và sản xuất phân compost với khối lượng gần 370 tấn rác/ngày. Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu cuối năm 2018 sẽ đưa tỷ lệ rác sinh hoạt chôn lấp về dưới mức 50%. Để biến điều này thành hiện thực, tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa 8 khu xử lý rác vào vận hành.
Theo chủ đầu tư Khu xử lý chất thải Thiên Phước (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thủ tục xây dựng và quy hoạch, việc lắp đặt các lò đốt phải đến đầu quý III/2018 mới có thể hoàn thành. Để lò đốt vận hành hiệu quả, tránh tình trạng phải ngừng hoạt động vì thua lỗ, Đồng Nai cần xem xét lại đơn giá xử lý rác theo phương pháp đốt.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các lò đốt rác, tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các sở, ngành tích cực phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư khu xử lý rác giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục về xây dựng. Đồng Nai phấn đấu đến cuối tháng 6/2018 sẽ đưa các lò đốt rác sinh hoạt vào vận hành, qua đó giảm tỷ lệ rác chôn lấp. Với những bất cập trong đơn giá xử lý rác, Đồng Nai giao Sở Tài chính tỉnh phối hợp với các chủ đầu tư rà soát, tính toán lại đơn giá xử lý rác theo phương pháp đốt.