Theo đó, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tiếp nhận nhiều hiện vật từ các tập thể, cá nhân tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Đó là các bác sỹ, thầy giáo, nhà khoa học, doanh nghiệp, đặc biệt em Trần Trọng Nhân - cháu nội Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, đại diện Nhóm tình nguyện tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch tặng một số đồ dùng tham gia cứu trợ COVID-19.
Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê trao tặng Bảo tàng chiếc áo cô mặc trong các chuyến làm thiện nguyện suốt những ngày chống dịch COVID-19 năm 2021. Cùng với hoa hậu H’Hen Niê, Nghệ sỹ Nhân dân Kim Xuân trao tặng Bảo tàng bộ áo dài cô đã mặc trong lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú lần thứ IX vào ngày 29/8/2019 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho rằng, mỗi hiện vật tưởng chừng đơn giản lại ẩn chứa nhiều câu chuyện cảm động về tình người, những ký ức của một hành trình chông gai, đau thương, nhiều hy sinh, mất mát nhưng đầy tự hào của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, các hiện vật này sẽ được Bảo tàng tập hợp nhằm hình thành chuyên đề trưng bày mang tên "Những đóa hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19" dự kiến ra mắt vào tháng 10/2022, nhân kỷ niệm một năm ngày Thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang thời kỳ bình thường mới sau những tháng ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong đại dịch.
Tham gia giao lưu với chủ đề "Sống tiếp ước mơ - lần 2", đông đảo đại biểu, khách tham quan đã nghe nhiều câu chuyện xúc động do thân nhân Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang chia sẻ liên quan đến những mất mát, hy sinh cũng như câu chuyện cảm động trong các cuộc chiến tranh.
Tham gia buổi giao lưu, nhà văn, họa sĩ Bùi Quang Lâm chia sẻ câu chuyện của em trai mình - liệt sỹ Bùi Thanh Tùng. Nhà văn, họa sĩ Bùi Quang Lâm nhớ lại, khi nghe ông kể chuyện về chiến tranh, em nói: Anh vào trận được em cũng vào trận được... Sau đó em nhập ngũ, đi vào chiến trường K chiến đấu và hy sinh trên mặt trận. Hòa bình lập lại, gia đình ông quay lại cung đường em đã đi, đến khu vực em hy sinh nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Nhà văn, hoạ sỹ Bùi Quang Lâm cho rằng, thế hệ trẻ hiện nay sống trong hòa bình phải biết giữ gìn, biết khát vọng và đừng đứng ngoài cơ hội, mạnh dạn thực hiện những điều bản thân mình mong muốn.
Dịp này, ông Bùi Quang Lâm trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ 100 quyển truyện Nồi đất - tác phẩm thuật tả một phần góc khuất của chiến tranh Việt Nam trong lòng đô thị Sài Gòn.
Bà Huỳnh Thị Minh Tâm kể về những hồi ức hào hùng và bi tráng của mẹ mình là Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Huệ và cha là Huỳnh Văn Một. Từ nỗi đau của dòng họ có 13 người bên nội bị giặc tàn sát, bà đã sớm theo cách mạng, người em sau ngày thống nhất cũng vào bộ đội chiến đấu ở chiến trường và anh dũng hy sinh. Bản thân bà Huỳnh Thị Minh Tâm nguyên là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vẫn theo đuổi các chương trình hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa học nghề...