Tỷ lệ trẻ bị tai nạn thương tích (TNTT) tại nhà chiếm hơn một nửa số vụ xảy ra hàng năm. Điều này cho thấy, việc tạo môi trường an toàn cho trẻ ngay từ chính ngôi nhà của trẻ là điều bức thiết.
Trao đổi với Tin Tức, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết: “Gần 60% số trường hợp tai nạn thương tích của trẻ em là xảy ra trong môi trường gia đình”.
Trung tuần tháng 6/2011, một sự việc đau lòng xảy ra tại Đắk Lắk, với một bé trai 4 tuổi. Em bé chơi đùa ngay cạnh nồi sữa đậu nành mẹ vừa nấu, bị ngã vào nồi sữa nóng, bỏng nặng phần dưới cơ thể, phải nhập viện. Trước đó, ngày 14/6, trường hợp bỏng cũng xảy ra với một bé trai 3 tuổi ở xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, khi cha mẹ của bé đi làm, gửi con cho ông ngoại trông. Khi ông ngoại đang cắm phích đun nước thuốc nam, có việc ra phía sau nhà rửa bát thì cháu bé leo lên ghế, chụp tay vào phích nấu nước đang sôi, nước đổ ụp vào đầu bé khiến bé bị bỏng toàn thân.
Cán bộ y tế của Viện Bỏng quốc gia chăm sóc, điều trị cho trẻ em bị bỏng. Ảnh: Hữu Oai-TTXVN |
Theo khảo sát của Ban chỉ đạo Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em của TP Hồ Chí Minh, trong số các ca bỏng phải nhập viện, có tới 50% số ca xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi. Đáng nói là các trường hợp này đều xảy ra tại khu nhà bếp của các gia đình, từ khoảng 8 - 10 giờ sáng hoặc chập choạng tối do người lớn bất cẩn, để trẻ chơi một mình.
Tai nạn xảy ra với trẻ do nhiều nguyên nhân. “Căn nguyên gốc rễ của thực trạng này là kiến thức an toàn trong cuộc sống của người dân còn thấp. Bên cạnh đó, môi trường sống của trẻ em ở gia đình, nhà trường cũng như xã hội chưa thật sự an toàn”, ông Nguyễn Trọng An chỉ rõ.
Theo Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, tỷ lệ tử vong do TNTT ở trẻ em và người chưa thành niên dưới 19 tuổi của nước ta khá cao. Trong 6 năm, từ 2005- 2010, trung bình mỗi năm có khoảng 7.300 trẻ từ 0- 19 tuổi tử vong do TNTT. Bình quân mỗi ngày có hơn 20 trẻ tử vong vì lý do này, và số trẻ bị TNTT năm sau thường cao hơn năm trước. Riêng năm 2010 có tới 8.851 ca tử vong tương đương với hàng ngày có tới 24 trẻ từ 0- 19 tuổi bị tử vong do TNTT. |
Nhiều cán bộ Phòng Bảo vệ trẻ em (Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em) còn nhắc về trường hợp thương tâm xảy ra tại một tỉnh miền Nam khi người ông ở nhà trông cháu. Thấy cháu ngủ, ông tranh thủ ra làm vườn, cho gà lợn ăn. Đến lúc vào nhà, ông chết đứng khi thấy hai chân cháu thõng xuống đất, cổ mắc vào lưới võng, mặt đã tím đen. Hóa ra, đứa bé trong lúc nằm ngủ, bị tụt xuống võng, chân không chạm được vào đất, bị kẹp vào dây võng và cổ bị thít lại. “Tai nạn này sẽ tránh được nếu người ông biết rằng khi cháu mình nằm võng lưới, phải buộc hai mép võng lại để nếu đứa bé có muốn leo ra khỏi võng cũng không ngã xuống. Cái võng phải mắc sát mặt đất để nếu bé tụt xuống, chân sẽ chạm được mặt đất. Một điều đơn giản thế nhưng không phải người nào cũng biết”, bác sĩ Nguyễn Trọng An thở dài.
Dưới mỗi mái nhà, có rất nhiều nguy cơ từ các vật dụng trong gia đình có thể gây TNTT cho trẻ, thậm chí dẫn đến tử vong. Phích nước sôi có thể gây bỏng cho trẻ. Dụng cụ điện trong gia đình để không cẩn thận có thể khiến trẻ bị giật. Trông coi trẻ không cẩn thận, trẻ có thể bị rơi lọt cầu thang. Các góc, mép bàn thủy tinh nhọn, dao, kéo có nguy cơ gây sát thương cao đối với trẻ. Thuốc cao huyết áp, thuốc đái đường, thuốc trợ tim của bố mẹ, ông bà uống xong, để trong ngăn kéo hay các loại thuốc trừ sâu, thuốc chuột… để trong tầm với của trẻ đều có thể gây nên hậu quả khó lường.
Chung cư cao tầng cũng là nơi xảy ra nhiều tai nạn đối với trẻ. Ngày 13/5/2011, ở TP Hồ Chí Minh, một bé gái suýt rơi từ tầng 6 chung cư khi chui lọt lan can của chung cư này.
Theo khảo sát của Đại học Y tế cộng đồng, tại 6 tỉnh có dự án của UNICEF (gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đồng Tháp), trong khi các TNTT đối với trẻ xảy ra trong cộng đồng chỉ 30%, tại trường học (10%), riêng số vụ xảy ra tại nhà chiếm tới trên 50%.
Trước đây, nước ta mới có Chính sách quốc gia phòng chống TNTT giai đoạn 2002- 2010 nhưng chưa có chương trình dành riêng đối với trẻ em. Chương trình phòng chống TNTT trẻ em giai đoạn 2011- 2015 đang được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng, dự định trình Chính phủ trong năm nay. Dự thảo chương trình đặt mục tiêu trong giai đoạn tới, mỗi năm giảm 10% số trẻ em bị TNTT.